Được xây dựng trên diện tích hơn 13.000m2, bao gồm các hạng mục kiến trúc với tên gọi rất hoa mỹ: Biệt thự Hồng Ngọc; Biệt thự Bạch Ngọc và Biệt thự Lam Ngọc. Ngoài ra, còn có hồ bơi nước nóng và vườn hoa Nhật Bản (trong vườn hoa có một hồ nước đặc biệt, khi bơm nước đầy sẽ hiện rõ hình bản đồ Việt Nam).
Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, khu Biệt điện Trần Lệ Xuân được biết đến bởi vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng và uy quyền của chủ nhân. Khu Biệt điện nổi tiếng đến mức, sau cuộc đảo chính, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, du khách đã đổ xô về Đà Lạt để chiêm ngưỡng.
Sau năm 1963, Biệt điện Trần Lệ Xuân trở nên hoang tàn, xuống cấp bởi sự tàn phá của chiến tranh và thời gian. Ký ức về một khu Biệt điện xa hoa, lộng lẫy dần đi vào quên lãng.
Năm 2006, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trùng tu, tôn tạo khu Biệt điện trả lại vẻ đẹp vốn có xưa, đồng thời sử dụng các không gian để trưng bày, quảng bá tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Di sản Mộc bản Triều Nguyễn, phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Năm 2006, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trùng tu, tôn tạo khu Biệt điện trả lại vẻ đẹp vốn có xưa.
Hồ bơi nước nóng
Một góc của Biệt thự
Lam Ngọc xưa
Tọa lạc trên triền đồi thông thơ mộng, một vị trí đắc địa của thành phố cao nguyên Đà Lạt, Biệt điện Trần Lệ Xuân được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ. Đây là nơi nghỉ dưỡng của vợ chồng ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.
Năm 1958, sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính về việc mua bán khu đất rộng hơn 13.000 m2 tại đồi Lam Sơn, gia đình Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng và sửa sang khu Biệt điện.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính năm 1963, ông Ngô Đình Diệm và ông Đình Nhu bị ám sát, bà Trần Lệ Xuân và các con phải sống lưu vong ở nước ngoài, Biệt điện bị tịch thu, sung công và giao cho Toà Thị chánh Đà Lạt quản lý. Ngay trong thời gian này, nhiều tài sản giá trị của khu Biệt điện đã bị lấy cắp, chiếm dụng.
Năm 1969, khu Biệt điện được chuyển giao cho Bộ Phát triển Sắc tộc làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên.
Đến năm 1975, sau cuộc tháo chạy của chính quyền Việt Nam cộng hòa, không ít đồ vật quý giá đã bị trộm cắp, tẩu tán; các công trình kiến trúc bị đập phá. Biệt điện Trần Lệ Xuân trở nên hoang tàn và chìm vào quên lãng.
Sau những thăng trầm của thời cuộc, năm 2006, toàn bộ khu Biệt điện đã được trùng tu, tôn tạo và trở thành trụ sở của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Có ý kiến cho rằng, biệt điện Trần Lệ Xuân trở thành trụ sở của một Trung tâm Lưu trữ như là cơ duyên?.
Biệt điện Trần Lệ Xuân từng được mệnh danh là đệ nhất trời Nam, bao gồm quần thể kiến trúc độc đáo được đặt tên rất hoa mỹ: Lam Ngọc, Hồng Ngọc và Bạch Ngọc.
1. Biệt thự Lam Ngọc
Bao gồm Lam Ngọc I và Lam Ngọc II, đây là nơi sinh hoạt chính của chủ nhân, được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp với hệ thống phòng khách, phòng hội họp, phòng khiêu vũ, phòng ngủ, trong mỗi căn phòng đều có lò sưởi.
Không gian kiến trúc được bài trí một cách cầu kỳ, đầy đủ tiện nghi với những đồ dùng hiện đại và trang sức đắt tiền được chọn lựa và đặt mua từ châu Âu – Mỹ…
Đặc biệt Trần Lệ Xuân còn cho xây dựng hầm trú ẩn bí mật tại phòng ngủ và đường hầm thoát hiểm hướng về sân bay quân sự Cam Ly.
2. Vườn hoa Nhật Bản
Nằm phía sau Biệt thự Lam Ngọc là vườn hoa Nhật Bản. Để làm khu vườn này, Trần Lệ Xuân đã mời Kiến trúc sư người Nhật Hiroshi Kitagawa đến thiết kế và thi công. Bên cạnh phong cách Nhật cầu kỳ, khu vườn còn có điểm nhấn là suối nhân tạo và hồ nước hình bản đồ Việt Nam. Ở giữa hồ có những tảng đá cắt ngang tượng trưng cho vĩ tuyến 17, phía cuối hồ có một cây cầu bắc qua địa phận mũi Cà Mau.
3. Biệt thự Hồng Ngọc có thiết kế “nhà Pháp” đặc trưng với hệ thống lò sưởi rất đẹp, cửa sổ chớp bên ngoài, cửa kính bên trong và tường xây rất dày để cách nhiệt.
Ngôi biệt thự này, được Trần Lệ Xuân cho sửa sang để tặng cha mình là ông Trần Văn Chương, khi đó là đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ. Nhưng ông Trần Văn Chương chưa kịp về ở thì đã diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 01 tháng 11 năm 1963.
4. Biệt thự Bạch Ngọc với thiết kế quầy bar, lò sưởi lớn hình mái nhà rông Tây Nguyên ở chính giữa được dùng làm nơi vui chơi, giải trí cho gia đình Trần Lệ Xuân và cũng là nơi đón tiếp các vị khách ngoại quốc, tướng lĩnh cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
5. Hồ bơi nước nóng
Hồ bơi nước nóng được Trần Lệ Xuân đích thân mời Kiến trúc sư nước ngoài đến thiết kế và xây dựng với thể tích 300m3 nước, nơi sâu nhất lên đến 2,2m. Hồ bơi được trang bị hệ thống làm nóng nước để phục vụ chủ nhân và quan khách trong điều kiện thời tiết lạnh giá của Đà Lạt. Với nền gạch xanh dương ẩn mình giữa không gian mây trời, hồ bơi đã trở thành điểm check – in thú vị của giới trẻ khi tới Đà Lạt hiện nay.
Copyright © 2020 TTLTQG4. All Rights Reserved. Powered by Thanh Nien Corp.