CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN – HÀNH TRÌNH DI SẢN

 

1.    GIÁ TRỊ CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN

Châu bản là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các triều vua nhà Nguyễn (từ năm 1802 đến năm 1945), đây là những văn bản do các hoàng đế ban hành; cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo trình lên vua “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề đối nội, đối ngoại.

Châu bản triều Nguyễn có giá trị nội dung phong phú là nguồn sử liệu rất quý, có một không hai, phản ánh chi tiết đầy đủ về tình hình đất nước trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, khi nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn, chúng ta có thể biết được những việc lớn nhỏ xảy ra trong xã hội lúc bấy giờ.

Về triều đình: Bao gồm những lễ nghi, yến tiệc, ngự giá, hoàng tộc, tổ chức các cơ quan;

Về Ngoại giao: Với Trung Quốc (cử sứ thần sang Trung Quốc, đón tiếp sứ nhà Thanh, giúp thuyền khách bị nạn, đối phó với hải phỉ, tàu xâm phạm Việt Nam); với Pháp (cử sứ sang Pháp, đối xử với giáo sĩ Pháp); với Xiêm La, Ai Lao, Miến Điện, Cao Miên; với Anh, Hà Lan, Tây Ban nha, Bồ Đào Nha.

Về Chính trị: Cách đối xử của nhà Nguyễn với Tây Sơn; chính sách với dân tộc thiểu số; vấn đề an ninh như báo cáo tình hình an ninh của mỗi địa phương, trừ thú dữ, trừ thổ phỉ, trừ hải phỉ, dẹp loạn; vấn đề tôn giáo.

Về Hành chính: Hộ tịch, bằng sắc, công văn; tổ chức chính phủ trung ương (các hộ, nha, ty, Cơ Mật viện, Nội các); tổ chức địa phương: các tỉnh, phủ, huyện, châu, đạo, tổng, xã; tổ chức quan văn: thu nạp nhân tài, tập ấm, phát lương, ban cho, thăng thưởng, cấp tuất, trợ cấp, hưu quan,… Tài liệu về tiểu sử của các nhân vật quan trọng như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tri Phương,…

Về Quốc phòng, Quân sự: Tuyển quan võ, mộ lính, thi võ bị; bộ Binh, kỵ binh, tượng binh, đắp thành lũy, xây đồn ải, pháo đài; thủy quân: tuyển mộ, binh thuyền, tuần dương, thao diễn, tập thủy sư; làm khí giới, đúc đại bác, họa đồ, quân y, cấp thuốc men, quân nhu, cấp quân trang, quân sự: Nam thứ, Bắc thứ, Tây thứ, Lưu thứ chống đối quân pháp.

Về Lễ nghi: Lễ Nam Giao, Đại Lễ, Lễ mừng, Văn miếu, Thần Thánh.

Về Giáo dục và Văn hóa: Tổ chức những trường thi, trường Quốc Tử giám, thi Hương, thi Hội, Ân khoa, Tàng thư lâu, Quốc Sử quán, Khâm Thiên giám: làm lịch, nhật thực, nguyệt thực, sao chổi.

Về Xã hội – Y tế: Thầy thuốc, đối phó với bệnh dịch khí, đối với thọ dân trên 100 tuổi, bài trừ nha phiến, chống đói, mất mùa, hạn hán, châu chấu, mưa đá, bão tố, lụt lội,….

Về Tư pháp: Các án lớn Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt,…; phúc án, trừng phạt quan lại ăn hối lộ; làm luật lệ mới,…

Về Kinh tế – Tài chính: Đúc tiền, vàng bạc, châu báu, báo cáo giá gạo từng địa phương, mua bán và chuyên chở cho triều đình, buôn lậu ra ngoại quốc, đấu giá, thuyền buôn; thuế: thuế nhập cảng, xuất cảng, thuế nha phiến, thuế ngư nghiệp, thuế thương bạc, thu thuế, giảm thuế, miễn thuế,…

Về Canh nông: Lúa gạo và mùa màng, hoa quả, lâm sản, quế, chính sách ruộng đất, tiếp tế, chở lương thực, nuôi tằm, nuôi gia súc, dịch trâu bò,…

Về Giao thông, công chính: Cung điện, lăng miếu, đô thị, lập kho, xe cộ đường xá, đào sông, đê điều, trị thủy, đóng thuyền bè, tàu theo tây phương, vận tải trong sông, ở biển; bưu vụ,….

Do hoạt động của triều Nguyễn dựa trên nguyên tắc quân chủ tập trung, thiên tử nắm trong tay mọi quyền hành trong cả nước. Cho nên các công việc của Nội các; Cơ Mật viện; của Lục bộ hoặc của các tỉnh thành, đều phải trình lên vua quyết định hoặc phê chuẩn. Từ những việc quốc sự quan trọng hay đến việc tuyển cử, đề bạt đội ngũ quan lại, ban cấp lương thực, thuốc men, gia tặng vật phẩm đều tập trung văn bản tại nơi vua làm việc. Khi vua xem sẽ dùng mực son chấm vào chữ tâu là đã xem rồi hoặc phê chữ “lãm”, “trị đạo liễu”, hoặc gạch xóa, sửa chữa hay phê phán và cho chỉ thị.

Châu bản triều Nguyễn ngoài những tập Thượng dụ của vua, Ngoại quốc thư lễ, Thái Y viện dược phiến, phần lớn nội dung châu bản còn lại là của Cơ Mật viện, Nội các, các bộ (Bộ Lại, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Binh); các tỉnh thành, bộ nha, phủ phụ chính,… Mỗi tập Châu bản được đóng thành tập khoảng từ 500 đến 700 trang, dầy từ 6cm – 10cm.

Dưới triều Nguyễn, Châu bản được coi là những tài liệu quan trọng của triều đình, Nội các là cơ quan được giao trọng trách quản lý tài liệu Châu bản. Đến năm 1942, Châu bản được chuyển về lưu trữ tại Viện Văn hóa Trung phần.

Viện Văn hóa Trung phần ngoài chức năng của một Bảo tàng cổ học, còn là nơi tập trung những sách vở, giấy tờ của các cơ quan như Văn phòng Nội các Nam triều; Cơ mật viện; các Bộ, Nha Nam triều; Quốc Sử quán; Tàng Thư lâu; Thư viện Bảo Đại tại Huế; Thư viện Tòa Khâm sứ cũ tại Huế; Phông Văn khố tại Tòa Khâm sứ cũ; Văn phòng Hội Đô thành Hiếu cổ,… cho nên những sách vở, giấy tờ ở Viện Văn hóa Trung phần có nhiều loại, giá trị khác nhau, đặc biệt quan trọng là những tập “Nguyễn triều Châu bản”.[1]

Tài liệu Châu bản, Mộc bản, Địa bộ là những tài liệu quý của quốc gia, được coi là quốc bảo, trong nhiều văn kiện của chính quyền Việt Nam cộng hòa các cụm từ “di sản tinh thần của dân tộc”, “sử liệu rất quý giá”,…được ghi trong các văn bản đã thể hiện vai trò quan trọng của những tài liệu này. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự kéo dài, những tài liệu này đã không được chính quyền VNCH quan tâm đúng mức, kho tàng xuống cấp, tài liệu chất đống dưới tầng hầm ẩm thấp, điều này dẫn một phần tài liệu bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi miền Nam được giải phóng 28 ngày (02/4/1975 – 30/4/1975), chính quyền Việt Nam cộng hòa chỉ kịp di chuyển khẩn cấp tài liệu Châu bản, Địa bộ và một số tài liệu khác về Sài Gòn.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, hiện nay khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản và phát huy giá trị xứng tầm là Di sản tư liệu thế giới tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

2. NHỮNG THĂNG TRẦM THỜI CUỘC

Dưới triều Nguyễn, Châu bản được coi là những tài liệu quan trọng của triều đình, Nội các là cơ quan được giao trọng trách quản lý tài liệu Châu bản. Đến năm 1942, Châu bản được chuyển về lưu trữ tại Viện Văn hóa Trung phần.

Dưới thời kỳ Việt Nam cộng hòa, Viện Văn hóa Trung phần ngoài chức năng của một Bảo tàng cổ học, còn là nơi tập trung những sách vở, giấy tờ của các cơ quan như Văn phòng Nội các Nam triều; Cơ mật viện; các Bộ, Nha Nam triều; Quốc Sử quán; Tàng Thư lâu; Thư viện Bảo Đại tại Huế; Thư viện Tòa Khâm sứ cũ tại Huế; Phông Văn khố tại Tòa Khâm sứ cũ; Văn phòng Hội Đô thành Hiếu cổ,… cho nên những sách vở, giấy tờ ở Viện Văn hóa Trung phần có nhiều loại, giá trị khác nhau, đặc biệt quan trọng là những tập “Nguyễn triều Châu bản”.

Vì giá trị đặc biệt của những tập Châu bản triều Nguyễn, cho nên năm 1958, Viện khảo cổ học Sài Gòn đã làm Tờ trình đề nghị chọn Đà Lạt làm nơi tàng trữ một số tài liệu quan trọng về văn hóa cổ truyền của Việt Nam, với những lý do sau đây:

“Khí hậu: rất tốt, khí trời lạnh và khô, không bị lụt lội, ẩm ướt và bão tố thường xuyên như ở Huế, ít bị mối, mọt và sâu bọ đục khoét như ở đồng bằng, không bị nắng gắt như ở Huế. Quân sự: xa vĩ tuyến 17, xa biển, xa biên giới, vị trí chiến lược tương đối yên tĩnh hơn các thành phố, ít có xảy ra những biến cố lịch sử tại chỗ. Chính vì những lý do trên mà Sở Địa dư trước kia ở Hà Nội và Sài Gòn đã chuyển lên Đà Lạt.

Đà Lạt là thành phố khí hậu tốt, là nơi thuận tiện để sau này trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng, ở đó có nhiều trường học, lại sắp xây dựng một khu Đại học lớn, Chính phủ cũng đã dự định sau này sẽ lập tại Đà Lạt nhiều cơ quan khoa học và khảo cứu. Vậy xin đề nghị thượng cấp cho lấy một công thự tại Đà Lạt lập thành “quốc khố” thuộc quyền kiểm soát của Viện Khảo cổ Sài Gòn và xin cho chuyển về đó tất cả các mộc bản và cổ thư chữ Hán hiện đang để tại Huế”.

Thực hiện Chỉ thị của Tổng thống Ngô Đình Diệm theo Sự Vụ lệnh số 381-GD/NV ngày 02/4/1960 một phái đoàn Viện Khảo cổ đã được cử đi công cán tại Huế để khảo sát và nghiên cứu kế hoạch di chuyển các tài liệu lịch sử lên Đà Lạt. Qua khảo sát cho thấy, các tài liệu, tư liệu lưu trữ trên gồm có “Mộc bản, Châu bản, Địa bạ, Cổ thư, Văn khố của tòa Khâm xưa và cựu Nam triều”

Về Châu bản, phái đoàn cho biết “tất cả Nguyễn triều Châu bản hiện đang được Viện Đại học Huế giữ gìn và đang khảo sát”. Những tài liệu này đã đóng thành tập như những cuốn sách chữ Hán, khổ 30x15cm, dày từ 6-10cm, đếm được 609 tập. Nay Viện Đại học Huế đã khai thác xong 39 tập…”

Thực hiện Sự Vụ lệnh số 601-GD/NV/SVL ngày 01/6/1960, một cuộc di chuyển kín đáo và mau lẹ đã được tiến hành vào ngày 27/6/1960 “chúng tôi đã liên lạc với Quân khu II và được Trung tướng tư lệnh giúp cho 4 chiếc xe G.M.C và 24 quân nhân để phụ trách việc vận chuyển ngay khi có toa xe lửa chở hàng tại ga Huế. 69 thùng tài liệu được xếp lên 1 toa 25 tấn. Ngày 28/6/1960 các toa này được kéo đi và đến Đà Lạt ngày 02/7/1960. 18 quân nhân được cử đi hộ tống và bảo vệ số tài liệu quý giá chở trên 3 toa xe. Công việc vận chuyển hoàn tất ngày 05/7/1960”.

Trong Tờ trình đề ngày 04/01/1961 về công tác kiểm kê và tổ chức di chuyển các tài liệu lên Đà Lạt theo Sự Vụ lệnh số 1.322-GD/NV/SVL ngày 05/12/1960 về việc hoàn tất việc di chuyển lên Đà Lạt các tài liệu lịch sử như châu bản, mộc bản, địa bộ, sách, hồ sơ của Tòa Khâm cũ, trong đó về Châu bản triều Nguyễn được ghi như sau “Châu bản trước kia, Viện Đại học Huế muốn giữ lại tất cả những Châu bản triều Nguyễn để khai thác. Nhưng vì nhận được Thượng lệnh, nên Linh mục Viện trưởng sẵn sàng trao lại cho phái đoàn các Châu bản này, gồm có 528 tập châu bản của các triều đại, 27 bó văn kiện triều Nguyễn thuộc các triều đại. Hiện Viện Đại học Huế còn giữ lại 83 tập Châu bản triều Minh Mạng để hoàn tất việc biên mục, làm xong bao nhiêu sẽ lần lượt gửi nốt đi Đà Lạt”. Cũng như lần trước, Quân khu II đã giúp cho 4 xe G.M.C và 24 quân nhân trong 2 ngày 15-16/12/1960 để phụ trách việc vận chuyển các thùng tài liệu, văn khố, mộc bản. Ngày 17/12/1960 các toa này được kéo đi có 2 tiểu đội quân nhân hộ tống và đã đến Đà Lạt ngày 21/12/1960. Công việc vận chuyển đã hoàn tất ngày 23 tháng 12 năm 1960. Trong Bảng kê những tài liệu di chuyển từ Huế lên Chi nhánh Nha Văn khố Đà Lạt do chuyến xe hỏa ngày 17/12/1960 đã ghi chú thích thêm “11 thùng lớn đánh đai sắt đựng Châu bản sẽ để vào một phòng riêng trên lầu, kín đáo, không bị ẩm ướt, để giải ra, đừng trồng thùng nọ lên thùng kia. Một ngày gần đây, những tài liệu ngày sẽ được tiếp tục khai thác”.

Tháng 9 năm 1961, trong công văn của Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia chi nhánh Đà Lạt gửi ông Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia về việc lập bản báo cáo các hoạt động của Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện Đà Lạt có ghi: hiện chi nhánh đang lưu giữ 636 tập Châu bản và đang cộng tác với các giáo sư trong và ngoài nước dịch thuật. Như vậy, từ năm 1961 đến năm 1969, tài liệu châu bản được lưu trữ tại Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia tại Đà Lạt, đã rất nhiều lần các Hiệp hội như Hội Việt Mỹ, Unesco xin được chụp vi phim khối tài liệu này.

Tuy nhiên, do tình hình chiến sự căng thẳng nổ ra tại miền Trung – Tây Nguyên nên ngày 29/3/1975 Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia đã có Phiếu trình hỏa tốc số 242-VKQG-HC về việc di chuyển tài liệu Văn khố từ Đà Lạt về Sài Gòn. Nội dung ghi trong văn bản như sau “Được chỉ thị của ông Tổng Trưởng trưa ngày thứ năm 20/3/1975, thì sáng sớm ngày thứ 6 21/3/1975 ba nhân viên của thiểm Nha lên Đà Lạt với nhiệm vụ cột gói và đóng bao các tập Châu bản và các tài liệu văn khố khác. Công tác này đã hoàn tất trong ngày 21/3/1975.

Ngày 27,28/3 mỗi ngày có một chuyến máy bay thuê bao chở nguyên tài liệu Văn khố, mỗi chuyến 72 bao, tổng cộng khoảng 5 tấn cho cả hai chuyến. Thiểm Nha tin tưởng không có sự thất thoát dọc đường vì tài liệu được cho vào bao kỹ lưỡng, máy bay được thuê bao và cũng vì nhân viên thiểm Nha trực sẵn tại phi đạo và được phép ra tận máy bay để nhận lãnh tài liệu, sau đó áp tải tài liệu về tận kho.

Số tài liệu chở về Sài Gòn gồm:

– Toàn bộ Châu bản triều Nguyễn;

– Toàn bộ địa bộ;

– Toàn bộ cổ thư;

– Một phần Văn khố thuộc Văn phòng cựu Quốc Trưởng Bảo Đại.

Số tài liệu Văn khố còn tại Chi nhánh gồm có:

Phần Văn khố còn lại thuộc Văn phòng cựu Quốc trưởng Bảo Đại; Văn khố Tòa Khâm mạng Khâm Mạng Hoàng Triều Cương Thổ; Văn Khố Tòa Tổng thơ ký cao nguyên miền Nam; Văn khố Tòa Đại biểu Cao nguyên Trung phần; Các tài liệu linh tinh. Số tài liệu này có trọng lượng phỏng độ 2,5 tấn có thể chở hết về Sài Gòn trong một chuyến máy bay thuê bao đặc biệt như hai lần trước.

Thiểm Nha kính trình ông Tổng trưởng vui lòng chấp thuận cho di chuyển nốt phần tài liệu còn lại với chi tiết như sau:

1. Sáng thứ 3 ngày 01/4/0975, ông Trần Xuân Thi Chủ sự Phòng Hành chánh tại Văn khố Quốc gia và ông Phạm Lê Thúc Chủ sự Chi nhánh Văn khố Đà Lạt sẽ trở lên Đà Lạt để chuẩn bị.

2. Sáng thứ 4 ngày 02/4/1975, có máy bay thuê bao của Hàng không Việt Nam chở tài liệu từ Đà Lạt về.

Bút phê của ông Phụ tá đặc biệt Tổng trưởng đặc trách văn hóa chấp thuận cho kế hoạch di chuyển. Tuy nhiên, trước tình hình chiến sự ác liệt nên đường hàng không, đường bộ đều bị tắc nghẽn, Đà Lạt rơi vào tình trạng hỗn loạn, do vậy chỉ có Châu bản đã kịp chuyển về Sài Gòn. Qua biên bản đề ngày 15/4/1975 của Chi nhánh Nha Văn khố và Thư Viện Quốc gia tại Đà Lạt về việc chuyển giao toàn bộ khối lượng Châu bản qua Sở Lưu trữ cho biết số lượng cụ thể như sau:

Châu bản đã đóng bìa: Triều Gia Long: 05 tập, triều Minh Mạng: 81 tập, triều Thiệu Trị: 51 tập, triều Tự Đức: 345 tập, triều Kiến Phúc: 01 tập, triều Duy Tân: 35 tập, triều Thành Thái: 74 tập, triều Khải Định: 04 tập, triều Đồng Khánh: 04 tập, triều Bảo Đại: 02 tập.

Châu bản chưa đóng bìa và Châu bản hư mục: 24 tập và 1 bộ gồm: triều Tự Đức: 01 tập, triều Đồng Khánh: 01 tập, triều Duy Tân: 08 tập, triều Kiến Phúc nguyên niên tới Duy Tân ngũ niên: 01 bó, triều Bảo Đại: 13 tập, Hiệp ước Việt Pháp: 01 tập.

Tài liệu Mộc bản, Châu bản, Địa bộ là những tài liệu quý của quốc gia, được coi là quốc bảo, trong nhiều văn kiện của chính quyền Việt Nam cộng hòa các cụm từ “di sản tinh thần của dân tộc”, “sử liệu rất quý giá”,… được ghi trong các văn bản đã thể hiện vai trò quan trọng của những tài liệu này. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự kéo dài những tài liệu này đã không được quan tâm đúng mức, kho tàng xuống cấp, tài liệu chất đống dưới tầng hầm ẩm thấp, điều này dẫn một phần tài liệu bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi miền Nam được giải phóng 28 ngày (02/4/1975-30/4/1975), chính quyền Việt Nam cộng hòa chỉ kịp di chuyển khẩn cấp tài liệu Châu bản, Địa bộ và một số tài liệu khác về Sài Gòn.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, hiện nay khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản và phát huy giá trị xứng tầm là Di sản tư liệu thế giới tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Xuân Hùng – Phạm Yến

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ số 1055, phông Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, TTLTQGII;

2. Hồ sơ số 1304, phông Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, TTLTQGII;

3. Hồ sơ số 1088, phông Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, TTLTQGII.