Trong thời gian qua, sự kiện ông Nguyễn Thế Hồng – Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh có mua lại thành công chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ hãng Millon (Pháp) đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. Việc ấn “Hoàng đế chi bảo” được mua lại với giá hơn 6,1 triệu euro (gần 154 tỉ đồng Việt Nam, chứng tỏ giá trị rất lớn của nó.

 Nhân sự kiện này, chúng tôi những người làm công tác lưu trữ xin giới thiệu đến quý vị bạn đọc thêm thông tin về chiếc ấn đặc biệt này thông qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại Đà Lạt.

Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mệnh (Ảnh: TTXVN)

200 năm ra đời kim ấn (ấn vàng)

Vua Minh Mệnh có huý là Hiệu, lại có tên là Đảm, sinh ngày 23 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), là con thứ 4 của vua Gia Long.

Tháng giêng, năm Canh Thìn (1820), Hoàng Thái tử Đảm lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh có tư chất thông minh, hiếu học, năng động và quyết đoán. Ba năm sau khi lên ngôi, vào tháng 2 năm Quý Mùi (1823), để thuận lợi trong việc quản lý hành chính đất nước, vua đã cho đúc quả ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Theo lời Dụ vua ban, lý do cho đúc ấn vàng này là bởi: “Công dụng của quốc bảo là để tuyên bố mệnh lệnh phải tin, bảo rõ lời dạy phải làm, là đồ vật rất trọng mà điển lễ rất lớn. Bản triều ta lúc mới đại định, Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta dựng đặt pháp chế, trăm việc mới cả, lần lượt sắc xuống dùng vàng tốt đúc “Chế cáo chi bảo”, “Quốc gia chi bảo”, “Sắc chính vạn dân chi bảo”, “Thảo tội an dân chi bảo”, “Ngự tiền chi bảo”, “Mạnh đức chi bảo” từ trước đến nay đã từng thi hành, nhưng chỉ là lúc mới bắt đầu làm, chưa kịp 10 phần đầy đủ. Trẫm được nối ngôi lớn, may gặp lúc bình yên, rất nghĩ muốn làm rạng thêm quy mô trước, để rõ ràng cho sau này, cũng đã từng dùng vàng tốt đúc thêm 1 quả “Hoàng đế chi bảo”.

Sự kiện vua Minh Mệnh cho đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 19, mặt khắc 14 ghi lại rằng: “Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (nuốm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân)”.

Không chỉ Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, mà Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 83, mặt khắc 1 cũng ghi rằng: “Minh Mệnh năm thứ 4 (1823), xuống Chỉ cho chọn ngày tốt, bộ Lễ hội đồng với phủ Nội vụ, ty Vũ khố kính cẩn đúc 1 quả “Hoàng đế chi bảo” làm bằng vàng 10 tuổi, đài chồng 2, núm rồng ngồi xổm, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân”.

hoàng đế chi bảo

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 19, mặt khắc 14 ghi về việc vua Minh Mạng cho đúc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vào năm Quý Mùi (1823)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Như vậy, theo ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn thì Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được ra đời vào tháng 2 năm Quý Mùi (1823), tính đến nay vừa tròn 200 năm tuổi. Sau khi ra đời, kim ấn này được xem như là “quốc bảo” của triều Nguyễn. Theo lệnh vua, chỉ những người có thẩm quyền trong triều mới được tiếp cận với kim ấn đặc biệt này.

Triều Nguyễn quy định việc sử dụng ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Quả kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được sử dụng trong những sự kiện đặc biệt quan trọng của triều đình. Năm Mậu Tý (1828), vị vua thứ hai triều Nguyễn đã cho định lệ chức năng của các ấn bảo tỉ. Trong đó, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được vua quy định sử dụng trong trường hợp sau: “Gặp Khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc, thì đóng ấn “Hoàng đế chi bảo”. Như vậy, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” bên cạnh việc xác nhận ý chí và mệnh lệnh của vua còn có tác dụng trong việc đóng dấu ban sắc thư ngoại giao với các nước lân bang lúc bấy giờ.

Năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mệnh đã quy định rõ hơn việc dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” trong quá trình vua đi tuần thú địa phương và nghi lễ khi sử dụng ấn vàng này cũng hết sức đặc biệt.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 89, mặt khắc 12 ghi: “Phàm khi vua đi chơi, nếu theo lệ, phải đem theo ấn “Hoàng đế chi bảo” và mọi hòm ấn khác thì Nội các, trước đó một, hai ngày dự bị làm sớ tâu xin. Chiều hôm trước, ty Loan nghi bày sẵn một cái án vàng ở trên thềm, gian giữa điện Cần Chính và một cái long đình ở lối đi giữa sân dưới thềm. Đến ngày, viên Nội giám mũ áo chỉnh tề, bưng hòm ấn đặt trên án vàng. Một viên “thỉnh bảo”[1] ở Nội các, mặc áo đội mũ ra sân lạy 5 lạy, 2 thuộc viên đi theo ấn, cũng mũ áo chỉnh tề bưng hòm ấn đặt lên long đình. Viên giữ cửa cung liền mở cửa giữa. Long đình từ cửa giữa ra ngự đạo, đợi xa giá; ty Loan nghi đem xe vua đặt ở dưới thềm gian giữa. Cửa giữa tạm đóng lại. Rước vua ra ngự ở điện. Các cửa được canh phòng. Vua lên ngự tọa. Cửa giữa lại mở. Một viên trong vệ Loan giá, đội mũ áo đầu hổ, cầm thanh kim đao, do cửa hữu cung môn đi ra, đứng ở trên thềm một gian bên hữu, hướng về đằng trước, truyền lệnh dàn bày xe loan. Ty Loan nghi đem xe vua từ thềm giữa lên đặt ở gian giữa trong điện phía trước. Viên quan truyền lệnh bày xa giá, đi vào quỳ tâu, xin vua lên xe. Khi ra đi những viên thỉnh bảo, tùy bảo[2] ở Nội các cũng mũ áo theo hầu. Nếu đi chơi gần theo lệ, chỉ xin đem theo hòm ấn “Ngự tiền chi bảo” và hòm ấn “Văn lý mật sát” thì cứ theo thường, do quan Nội giám tâu xin đem đi”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 89, mặt khắc 12 ghi về nghi lễ mang theo ấn “Hoàng đế chi bảo” khi nhà vua đi tuần thú địa phương

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vua sử dụng linh hoạt, ở mỗi thời điểm khác nhau, tuy nhiên về sau chức năng của ấn “Hoàng đế chi bảo” đã được quy định lại. Tháng 6, năm Bính Thân (1836), vua Minh Mệnh xuống dụ: “Lại đổi định: từ sau, phàm những tờ cáo dụ các bậc thân huân, bài huấn dụ cho các quan to trong ngoài khi vua đi tuần thú xem xét các địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”, cho có phân biệt. Trước đây, phàm gặp việc cho đại xá, hoặc đàm ân, cáo dụ các bậc thân huân, huấn dụ quan lại khi đi tuần thú xem xét địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều đóng ấn “Hoàng đế chi bảo”; đến đây mới đổi: phàm gặp khi đổi niên hiệu, ban đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc tỉ; còn các việc từ cáo dụ thân huân trở xuống vẫn đóng ấn vàng bảo”.

Đến tháng ba, năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mệnh đã cho bãi bỏ việc dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” khi đi tuần thú địa phương, thay vào đó là dùng ấn “Đại Nam thiên tử” khi vua đi chơi.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 200, mặt khắc 16 có ghi: “Bắt đầu khắc ấn “Đại Nam thiên tử” (ấn hình vuông mỗi chiều 2 tấc 9 phân, dày 1 tấc 2 phân, 3 ly, cao suốt 2 tấc, 4 phân), đến khi làm xong, vua dụ rằng: trước kia được ngọc tốt, sai thợ trổ khắc ấn “Đại Nam thiên tử” nay đã làm xong, chữ viết rõ và ngay, đáng làm ấn đời đời. Chuẩn định phàm gặp đi tuần thú xét các địa phương và ban cấp sắc thư cho người ngoại quốc, thì dùng ấn ấy thi hành, còn ấn “Hoàng đế chi bảo” chuyên để cáo dụ thân huân, huấn dụ các quan to trong, ngoài thì thi hành, nên đem dụ ấy làm thành 33 bản, dùng ngay ấn ấy để ở Nội các và ban cấp cho các tỉnh cùng thành Trấn Tây mỗi nơi một bản, cho đều tôn cất để rõ chứng thực, các Đốc biện thưởng kỷ lục đều một thứ, Chuyên biện thưởng cho áo quần và tiền có thứ bậc”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 200, mặt khắc 16 ghi về quy định dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” năm 1839

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Như vậy, kể từ năm Kỷ Hợi (1839), ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” chuyên dùng để cáo dụ thân huân, huấn dụ các quan lớn trong triều. Và kể từ năm Canh Tý (1840) trở đi, sau khi vua Minh Mệnh băng hà, ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn luôn được triều đình Nguyễn giữ gìn như một báu vật.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” bị lưu lạc sang Pháp trong thời gian khá dài. Việc nỗ lực đưa cổ vật có lịch sử 200 tuổi hồi hương, đã chứng tỏ tâm huyết của những yêu di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, trong việc góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử đã qua./.

Chú thích:

[1] Thỉnh bảo: xưa vua cho đem ấn đi theo
[2] Tuỳ bảo: đi theo ấn.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H48, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H49, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Hồ sơ H49, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

 

Cao Quang