Trương Định (còn có tên gọi là Trương Công Định), người ở làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (nay là Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi). Trương Định là một võ quan của triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn từ năm 1859 đến năm 1864.

Anh hùng dân tộc Trương Định (1820 – 1864) – Ảnh: Sưu tầm

Trương Định sinh ra trong một gia đình có cha là viên Lãnh binh Trương Cầm. Ngay từ thuở bé, ông đã sớm được làm quen với binh thư đồ lược nên rất tinh thông võ nghệ. Năm Giáp Thìn (1844), Trương Định theo cha vào Nam lập nghiệp ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau khi cha mất, ông trú ngụ tại nơi cha đóng quân. Sau này, ông cưới bà Lê Thị Thưởng, con một hào phú ở huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Năm Canh Tuất (1850), hưởng ứng chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định ra sức chiêu mộ dân nghèo khai hoang, vỡ đất, lập ấp ở Gia Thuận (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Nhờ công lao ấy, ông được triều Nguyễn bổ làm Phó quản cơ, rồi cất nhắc lên chức Quản cơ.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 25, mặt khắc 9 chép “Phó quản cơ Gia Định là Trương Định (người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con viên Lãnh binh Trương Cầm) chiêu mộ những thủ dõng, có nhiều người đi theo. Thường cùng quân Tây dương chống đánh nhau đắc lực, thự Tuần phủ là Đỗ Quang đem việc tâu lên. Vua cất nhắc cho làm Quản cơ, rồi lĩnh chức Phó lãnh binh”.

 

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 25, mặt khắc 9 khắc thân thế anh hùng Trương Định

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm Kỷ Mùi (1859), quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông tập hợp nghĩa binh, đóng ở Thuận Kiều để chặn giặc. Lúc bấy giờ, Trương Định hăng hái đứng đầu các phong trào đấu tranh chống Pháp và đã lập được nhiều chiến công lớn như cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo trên rạch Gò Công.

Năm Nhâm Tuất (1862), triều đình Nguyễn ký hòa ước dâng cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Khi hòa ước thành, vua Tự Đức lệnh cho Trương Định đổi bổ về Phú Yên nhận chức. Tuy nhiên, để chiều theo lòng dân và quân sĩ, ông đã khước từ chiếu chỉ, ở lại lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc chiến chống giặc Pháp. Sự việc này, đã khiến Trường Định bị cách chức.

Ngày 19 tháng 08 năm 1864, Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại đại bản doanh, Trương Định bị trọng thương. Giữ vững khí tiết của mình, ông rút gươm tự sát vào rạng sáng ngày 20 tháng 08 năm 1864. Khi ấy, ông mới 44 tuổi. Hay tin Trương Định mất, vua Tự Đức đã truy tặng phẩm hàm và vợ ông là bà Lê Thị Thưởng được vua chuẩn cấp đến hết đời mỗi tháng 20 quan tiền và gạo.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân mang về an táng ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, đền thờ của ông cũng được xây dựng trên đất Gò Công. Ngoài mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ Ông.

Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987. Còn đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.

Ngoài ra, để tưởng nhớ công lao đóng góp của ông trong phong trào chống Pháp, ở quê nhà Quảng Ngãi, cũng đã xây dựng lại đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói, thờ phụng người anh hùng dân tộc. Ngày 18/8/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với đền thờ anh hùng Trương Định.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H24/26, mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H24/53, mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Chiêu Đan