Vũ Duy Chí người ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là vị quan tài năng, thẳng thắn, dám dâng lời nghiêm nghị để can ngăn chúa Trịnh Tạc.

Vũ Duy Chí sinh ra trong gia đình có 5 người con trai, có người mẹ tảo tần, tốt tính. Chuyện kể lại rằng, mẹ ông một hôm đi chợ; có một người đàn bà bán lụa, khi trở về bỏ quên  một bó lụa to, bà thấy được và cất đi. Một lát, người đàn bà chạy lại, gào khóc hỏi tìm, bà hỏi đích thực, liền đem lụa trả cho. Người ấy xin tạ bà hai tấm lụa, bà cười bảo rằng: “Ta lấy hai tấm lụa sao bằng ta lấy cả bó lụa chẳng hơn ư, ta thương chị mất lụa mà về, tất phải chồng con trách mắng, cho nên trả lại, há mong báo làm gì!”. Người đàn bà xin tạ thế nào bà cũng không chịu lấy; cả chợ ai cũng khen là  người có âm đức.

Bản dập Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 19, mặt khắc 9 ghi về việc

chúa Trịnh Tạc bổ Vũ Duy Chí chức Thượng thư bộ Binh, năm 1664

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ngay từ thuở nhỏ, Vũ Duy Chí đã nổi tiếng là người thông minh, chăm chỉ; lớn lên, ông thông hiểu kinh sử, tính tình cẩn thận, chu đáo, theo hầu chúa Trịnh Tạc lâu ngày nên được chúa yêu mến. Năm Giáp Thìn (1664), Vũ Duy Chí được bổ chức Thượng thư bộ Binh. Về điều này, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 19, mặt khắc 9 ghi: “Đặt đủ viên số thượng thư sáu bộ. Lấy Tham tụng Phạm Công Trứ làm Lại bộ thượng thư, Bồi tụng Trần Đăng Tuyển làm Hộ bộ thượng thư, Nguyễn Năng Thiệu làm Lại bộ thượng thư, Vũ Duy Chí làm Binh bộ thượng thư”.

Ba năm sau, tức năm Kỷ Dậu (1669), Vũ Duy Chí được bổ dụng làm Thượng thư bộ Lễ. Cũng trong năm này, ông được gia phong làm tước Phương Quận công. Vũ Duy Chí là vị quan chất phác, ngay thẳng, luôn giữ mình đứng đắn, không a dua. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 33, mặt khắc 27 ghi về ông như sau: “Duy Chí là người cẩn thận kín đáo, làm việc có tính toán, thông hiểu về công việc cai trị dân, hơn nữa lại có văn học để tô điểm thêm vào. Trịnh Tạc từ khi làm Thế tử, đã để bụng thân yêu tin cẩn, nên Duy Chí được thăng dần đến Thượng thư, tước Phương quận công. Đến nay Duy Chí được cùng Đăng Tuyển, Duy Hiệu vào giữ công việc trong chính phủ. Có người nói về tư cách của Duy Chí. Muốn giải thích những mối nghi ngờ, Trịnh Tạc bèn làm bài “luận giải nghi” bằng cách bày tỏ hết công việc của họ Tiêu, họ Tàu, họ Phòng, họ Đỗ ngày trước. Sau khi Duy Chí đã vào giữ việc trong tướng phủ, gặp tiết Nguyên đán, trăm quan vào chầu mừng vua Lê rồi, sau đến chầu mừng ở phủ chúa Trịnh. Theo lệ, khi vào phủ Chúa, trước hết trăm quan thay triều phục rồi sau mới vào làm lễ lạy mừng. Trịnh Tạc bắt trăm quan cứ mặc nguyên áo triều bào. Duy Chí nói “Lễ mừng phủ chúa nên dùng áo thanh cát là đúng, không thể làm trái phép cũ được”. Trịnh Tạc bèn thôi. Lúc bấy giờ người ta bảo Duy Chí có phong độ một người bầy tôi biết can ngăn”.

Bản dập Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 33, mặt khắc 27

ghi chép về Vũ Duy Chí

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Chính nhờ sự thẳng thắn, biết can gián đúng lúc mà tháng 7, năm Ất Mão (1675), Vũ Duy Chí tiếp tục được chuyển sang làm Thượng thư bộ Hộ. Một năm sau (năm Bính Thìn – 1676), thời vua Lê Hy Tông, ông xin cáo lão về hưu, được gia thăng Thượng thư bộ Lại, Quốc lão thiếu phó. Chúa Trịnh Tạc đã làm đôi câu đối “Nhất đại tông thần Tiêu tướng quốc, Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.” (Tạm dịch: Làm quan đầu triều một đời, như tướng quốc Tiêu Hà; Làm nguyên lão hai triều, như Hàn vương Triệu Phổ) thêu lên cờ tặng ông. Năm Mậu Ngọ (1678), Vũ Duy Chí mất, thọ 75 tuổi. Khi mất, ông được triều đình ban cho 500 quan tiền để lo việc mai táng; ngoài ra, còn cử quan viên về dụ tế, ban cho tên thụy và truy tặng chức Thái phó./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H31, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Thị Quang