Ở phía Tây ấp Dương Hòa nguồn Tả Trạch thuộc huyện Hương Trà, cách bờ sông 14 trượng, chu vi chừng 1 trượng. Nước đen mà trong, sâu 7, 8 tấc, nước từ dưới đất vọt ra, nước sôi sùng sục, khói trắng bốc lên, nóng không thể đến gần được, đem tôm cá bỏ vào thì chết ngay, đem gà vịt bỏ vào thì trút hết lông. Đó là những ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí về suối nước nóng, một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh.
Suối nước nóng này từ trước chưa ai biết đến. Ninh Thuận Công Miên Nghi đến đây săn bắn, trở về tâu lên vua Minh Mạng[1].
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 167 chép vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836): Vua nghe nói nguồn Tả Trạch có suối nước nóng thì sai Lang trung bộ Công Vũ Trọng Đại đi xem xét. Vũ Trọng Đại vẽ bản đồ về đem dâng lên và nói: nước suối ấy trong, đen và nóng.
Vua Minh Mạng đến xem, sai người bắc gỗ ở trên mặt nước, đứng trên cây gỗ mà đào để hiểu lẽ kỳ, thì thấy nước bùn cuồn cuộn phun lên, lại dừng để đo xem thì vẫn thấy sâu 7, 8 tấc như trước. Từ trước, nước nóng chảy ra chừng vài ba mươi trượng, đổ vào nguồn Tả Trạch, thì vị nước ngon và lạnh. Khi đã khai đào đến mạch, thì nước chảy mạnh hơn và càng nóng già, đã hợp với nước sông mà nước ở cửa vũng vẫn nóng khó lội qua được, thật là kỳ dị.
Vua bảo thị thần rằng: Nước đen thì không trong. Suối ấy nước đen mà trong cũng là sự lạ. Trẫm xem sử sách thấy chép: đâu có suối nước nóng là tất có lưu hoàng, nay sai xét nghiệm không thấy, thì biết chỗ ấy hơi lửa rất mạnh, cho nên mới sinh thấp nhiệt, chứ không tại lưu hoàng. Nghiệm đó đủ phá tan cái lầm của người xưa.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 167, mặt khắc 6 khắc về suối nước nóng
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Nước không có lửa mà nóng, trời đất tạo vật, đấy cũng là một điều lạ lùng. Vua Minh Mạng có ngự chế bài “Thang hoằng ký” 12 vần. Vua lại sai viên Phủ doãn dựng bia ở đấy để ghi. Vua cũng ban thưởng cho Vũ Trọng Đại 1 cặp áo, sai hiệp cùng bọn Đề đốc hải vận Hồ Văn Khuê giúp làm công việc.
Nói về suối nước nóng này thì vua Thiệu Trị có ngự chế bài Tây lĩnh thang hoằng (suối nước nóng ở núi Tây), đây là bài thơ thứ 20 trong tập Thần Kinh nhị thập cảnh của nhà vua, được ghi vào Ngự chế thi sơ tập.
Bài thơ như sau:
Cố phục bồi du ức tích niên
Thừa nhan bác lãm chí kim truyền
Nhất hoằng uẩn súc chưng dương hoả
Vạn trượng phi xung thược thuỷ yên
Bất hạ Phùng Di thường dũng phất
Mạn giao Hồi Lộc diệu ngao tiên
Kham dư chung dục thuỳ linh tích
Dược thạch hư đàm khủng vị nhiên.
Dịch nghĩa:
Nhớ năm xưa được ơn vua cha cho theo hầu đi chơi
Đến nay vẫn còn lưu truyền cảnh này từng được vua du lãm
Ở đây có một dòng suối như được đun lửa nóng
Dài vạn trượng bốc hơi như được nấu lên
Thần Phùng Di làm cho nước sôi sùng sục không ngừng
Thần Hồi Lộc khéo đun nước khắp mọi nơi
Trời đất hun đúc tạo ra dấu tích thiêng liêng
Còn bảo nước suối ở đây là thuốc chữa bệnh thì e chưa hẳn là vậy.
Ngự chế thi sơ tập, quyển 11, mặt khắc 29 khắc bài thơ Tây lĩnh thang hoằng của vua Thiệu Trị
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Theo dòng Tả Trạch đi ngược lên, quanh co uốn khúc hai mươi lạch cạn cát tràn, hiểm trở gập ghềnh hai mươi sáu dặm non cao chồng chất. Một vùng hoàn toàn bằng phẳng, núi sâu tạo cảnh trời riêng. Đầy rẫy linh mạch tuôn trào một dòng nước ấm, cuộn cuồn đầm nóng sục sôi mấy đám hơi mù. Đúng giếng thần luộc chín chim, heo, đun nước nóng nấu trà trị bệnh. Lời dẫn của bài thơ Tây lĩnh thang hoằng đã khắc rõ thêm cảnh đẹp của suối nước nóng này, thật xứng đáng là một trong hai mươi cảnh đẹp của đất Thần Kinh./.
Chú thích:
[1] Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì sự việc này xảy ra vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837).
Nguồn tham khảo:
1. Hồ sơ H22/198, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H83/15, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. https://www.thivien.net/Thi%E1%BB%87u-Tr%E1%BB%8B-ho%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%BF/%C4%90%E1%BB%87-nh%E1%BB%8B-th%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3nh-T%C3%A2y-l%C4%A9nh-thang-ho%E1%BA%B1ng/poem-_dOKYNCo4rdJw6HVTju8_g
4. Đại Nam nhất thống chí, Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2006);
5. Đại Nam thực lục, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).
Nhật Phương