TRIỀU NGUYỄN ĐỊNH LỆ THƯỞNG TƯ TRANG ĐI LẤY CHỒNG CHO CÁC CÔNG CHÚA, CÔNG NỮ

 

Việc công chúa đi lấy chồng chẳng kém phần quan trọng so với việc các hoàng tử cưới vợ. Chính vì vậy mà các vua nhà Nguyễn đã đặt ra lệ định thưởng tư trang cho các công chúa, công nữ khi về nhà chồng. Số tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào vị trí của các công chúa, công nữ và thay đổi qua các vị vua.

Năm 1808, khi Vệ úy Nguyễn Văn Ngoạn là con Chưởng Trung quân Nguyễn Văn Trương lấy công chúa Ngọc Châu, Vệ úy Phạm Văn Tín là con Chưởng Hữu quân Phạm Văn Nhân lấy công chúa Ngọc Quỳnh, Vệ úy Trương Phúc Đặng là con cai cơ Trương Phúc Tuấn lấy công chúa Ngọc Anh thì vua Gia Long ban cho tiền hồi môn mỗi công chúa đều 30.000 quan và sai ghi làm lệ về sau.

Năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mệnh có chỉ chuẩn định: Từ nay về sau, khi người con gái hoàng hậu lấy chồng ban cấp cho tư trang, các thứ ấy đã chiết bớt đi gồm: 50.000 quan tiền. Ngoài ra, trưởng công chúa, công chúa đều 30.000 quan; con gái hoàng thái tử 8.000 quan; con gái hoàng tử, các công 5.000 quan; cháu gái hoàng tử 3.000 quan; cháu gái hoàng tử, các công 2.000 quan; con gái trưởng công chúa, công chúa 3.000 quan. Lệ định này ghi để làm lệnh.

Hai năm sau, vua lại có chỉ về tư trang để phân biệt con vợ cả và con vợ lẽ phải khác nhau: Trước đây đã có chỉ, lệ định về tư trang gả chồng. Nhân nghĩ rằng: Thưởng cấp như thế, trong việc ấy, còn có chỗ chưa rõ ràng, thì trừ ra phần con gái hoàng thái tử trở lên, vẫn theo chỉ trước tuân hành, không kể; nay lại chuẩn chỉ định rõ: Người con gái trưởng mà đích mẫu sinh ra của hoàng tử, các công chi họ gần, thì thưởng tư trang gả chồng là 5.000 quan, con gái thứ đều 3.000 quan; con gái trưởng do thứ mẫu sinh ra cũng 3.000 quan; còn gái thứ đều 2.000 quan. Người cháu gái trưởng do đích mẫu sinh ra của hoàng thái tử 3.000 quan, cháu gái thứ đều 2.000 quan; cháu gái trưởng do thứ mẫu sinh ra cũng 2.000 quan, còn cháu gái thứ đều 1.000 quan. Người cháu gái trưởng do đích mẫu sinh mẫu sinh ra của hoàng tử và các công chi họ gần 1.500 quan, do thứ mẫu sinh thì 1.000 quan, còn thì 700 quan. Người con gái trưởng của trưởng công chúa và công chúa 2.000 quan, con gái thứ đều 1.000 quan. Người con gái trưởng do đích mẫu sinh của các công chi họ xa 2.500 quan, do thứ mẫu sinh 2.000 quan; còn đều 1.000 quan để tỏ sự phân biệt. Ghi để làm lệ.

 

Bản dập Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 61, mặt khắc 5: các lệ định thưởng tư trang cho công chúa, công nữ khi hạ giá

Nguồn: Trung tâm Lưu trư quốc gia IV

 

Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), vua có dụ cho định rõ lại: Người con gái trưởng hoàng hậu theo trước, thưởng bằng hiện vật chiết can đi là: 50.000 quan tiền, con gái thứ định lại là 40.000 quan. Hoàng trưởng nữ, theo trước, thưởng 30.000 quan, hoàng thứ nữ, định lại là 2.000 quan. Trưởng nữ của các phi hoàng thái tử, theo trước thưởng 8.000 quan, thứ nữ định lại là 6.000 quan; trưởng nữ do thứ mẫu sinh ra thì 5.000 quan, thứ nữ 4.000 quan. Chuẩn định này ghi làm lệ lâu dài, đến như cháu gái nội của hoàng thái từ, hoàng tử và công nữ chi họ gần; kịp đến công nữ chi họ xa, đều chuẩn cho tới kỳ tâu biết, đợi chỉ, sẽ châm chước xét thưởng cấp, chớ nên định lệ.

Năm Canh Tý, năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), con gái của trưởng công chúa, công chúa, lệ cũ có cho tiền trang sức khi đi lấy chồng: con gái trưởng 2.000 quan tiền, con gái thứ 1.000 quan tiền. Nay đều thôi không cho nữa.

Đặc biệt, đến thời vua Tự Đức, vua còn cấp trước của hồi môn cho các công chúa. Năm 1854, vua ban sắc lệnh: Các Thái trưởng công chúa (cô của đương kim Hoàng đế) tuổi đã trưởng thành thì chuẩn cấp trước của hồi môn gồm một vạn quan tiền, vật dụng đầy đủ. Lệnh của Tôn Nhân Phủ tư về Bộ để cấp phát. Nhưng năm 1856, vua lại có Châu phê: Từ nay về sau đợi có Chỉ cho hạ giá mới được lĩnh của hồi môn để sống riêng, tránh được việc chi phí trước khiến đến lúc đi lấy chồng thì đã hết sạch.

Tư trang đi lấy chồng của các công chúa, công nữ có lẽ không kém phần quan trọng nên được các vua triều Nguyễn quan tâm, được khắc vào sách sử. Số tiền ấy được dùng làm chi phí cho cuộc sống vì không phải công chúa, công nữ nào cũng có gia đình chồng khá giả. Ban thưởng tư trang khi hạ giá cũng một phần thể hiện oai nghi của các vua nhà Nguyễn./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H48/26, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H21/37, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.    Hồ sơ H22/210 Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004);

5.    Bản dịch sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2005).

Nhật Phương