TRIỀU NGUYỄN CHO DỰNG PHÒNG ỐC

TRƯỜNG THI VĂN THẾ NÀO?

 

Vua Minh Mệnh từng ban chiếu rằng: Trẫm nghĩ thánh nhân ban ân trạch, không việc gì lớn bằng sự gây dựng nhân tài, vương giả suy ơn, tất phải trọng việc tuyển sĩ tử, cho nên không câu nệ ở lệ thường, chỉ quý chọn được chân tài. Tìm nhân tài phải do khoa mục, đào tạo kẻ sĩ không phải để gây ơn riêng. Trẫm noi theo nghiệp lớn, mở mang trăm việc, quan dân trong ngoài, ai cũng thấm nhuần ơn trạch. Nay muốn rộng ban ân điển cho khắp làng nho, mong được nhiều sĩ tử kéo đến, vang lừng như sấm như gió, quả mùa thu hoa mùa xuân đều hái được, vàng tốt phương nam, tên thẳng phương đông đều thu được, để làm rộng sáng sự nghiệp chuộng văn của Hoàng khảo ta, nên có dịp may tuyển nhân tài ngày nay. Và mỗi lần tuyển nhân tài thì phòng ốc ở trường thi được triều đình quan tâm để đảm bảo kỳ thi được an toàn, công bằng.

Phòng ốc ở trường thi được làm bằng thứ gỗ thật chắc, lợp ngói phiến, chung quanh xây tường gạch. Giữa chia làm hai ngăn bằng tường gạch. Phần ở phía trước, chính giữa dành đường thập đạo, giữa mở một cửa to. Đàng trước bên tả làm vi giáp, đàng sau làm vi tả, đàng trước bên hữu làm vi ất, đàng sau làm vi hữu. Mỗi vi đều đặt 2 cửa (giáp 1, giáp 2, ất 1, ất 2, tả 1, tả 2, hữu 1, hữu 2). Nhà cửa của sĩ tử thì mỗi vi 7 gian liên tiếp, hướng vào nhà thập đạo, xứ môn đều một cái. Một phần ở phía sau, lại lập riêng làm ngoại trường, nội trường. Ở ngoại trường thì chính giữa là phòng thi, phía trước đặt cửa phòng thi; bên tả làm phòng chủ khảo, bên hữu làm phòng phó chủ khảo. Lại ở tả hữu theo thứ tự dựng phòng phân khảo, thể sát, lại điển đều 1 phòng. Phía sau phòng thi làm công đường viên đề điệu; tả, hữu làm phòng chánh phó đề điệu, đều 1 phòng. Sau các phòng ấy là phòng lại điển, có tường gạch bao quanh, trước mở 1 cửa ở nội trường chính giữa làm phòng giam khảo và hai bên tả hữu ngăn bằng tường gạch, đều có 1 cửa ra vào. Bên tả, 2 phòng phúc khảo và 1 phòng mật sát; bên hữu, 2 phòng sơ khảo và 1 phòng mật sát. Ngoài tường bao, 4 góc đều có chòi canh, cổng đều có điếm.

Các vị vua triều Nguyễn rất quan tâm đến phòng thi. Năm Gia Long thứ 6 (1807), chuẩn y lời nghị: Quan sở tại chi tiền kho công để mua tre, gỗ xây dựng trường thi, thể chế đều theo cách thức trong bản vẽ rộng 66 tầm, dài 107 tầm; bên trong rào thưa, bên ngoài rào mau. Ở giữa chia ngăn làm 2 phần trước sau. Chỗ giới hạn đều dựng hàng rào kín. Ở gần trấn, làm 1 nhà công quán, để làm chỗ quan trường tạm trú, trước trấn đường làm một rạp lợp tranh 5 gian để dự bị làm chỗ yến tiệc.

Bản dập Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 103, mặt khắc 32: phòng ốc trường thi

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), vua chuẩn y lời nghị bàn: Trước ngày trường thi Hội, bộ Lễ tâu rõ, trong danh sách kê khai bao nhiêu số người ứng thi, chuyển tư đi cho quan ở công đường doanh Trực lệ, Quảng Đức, chiếu khu trường chia từng vi, sức làm mỗi người 1 gian nhà, 1 thẻ tre. Mỗi nhà vuông 1 tầm, cao 1 tầm, trên lợp tranh, 3 mặt trát đất; phía trước có cửa bằng phên tre. Về nhà ở, hàng thứ cách nhau, phải ngay ngắn. Mỗi cái thẻ tre dài 1 thước 2 tấc, rộng 1 tấc; đợi quan khâm sai trường thi lên trường, phái người dâng nộp, để viên ấy sai thư lại điền họ, tên hương cống vào thẻ, rồi treo ở trước nhà ở.

Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), vua chuẩn cho trường thi Hội, dựng ở phía nam trong thành. Nhà cửa ở bên trong đều theo mẫu cũ; bề ngoài thì chu vi liệu làm rộng thêm. Phía sau phòng thi, đặt dựng thêm sở đề điệu, chu vi rào thật kín; phía trước mở 1 cửa. Bên trong là công đường đề điệu và các nhà ở của chánh, phó đề điệu, coi niêm phong, coi sao chép, coi đọc quyển và các thư lại niêm phong sao chép, đọc quyển. Về nhà cửa ở ngoại trường cùng các nhà ở của quan chánh phó chủ khảo, tri cống cử và quan tuần sát ngoại trường cũng là các viên thư lại làm sổ, viết bảng cho có phân biệt. Từ đây trở lên, thể chế vi, trường do phủ Thừa Thiên chiếu theo cách thức trong bản vẽ mà làm.

Lại chuẩn y lời nghị: Phàm thể chế ngoài trường thi Hương, chu vi xét cho rộng thêm. Ở mé dưới phòng quan chánh phó chủ khảo dựng thêm phòng quan phân khảo 2 cái. Phía sau phòng thi, dựng thêm một công đường đề điệu, liên tiếp hai bên tả hữu dựng phòng đề điệu, sau đó dựng một dãy liền nhà ở của lại dịch, chu vi bao bọc hàng rào kín. Phía trước đặt 1 cửa. Còn chìa khóa cửa thì giao cho biền binh ở phòng thi canh giữ.

Đến năm 1843, vua Thiệu Trị chuẩn y lời tâu: Nhà cửa trường thi, đều dùng thứ gỗ cứng chắc mà làm, lợp ngói phiến, chu vi xây tường gạch, lệ các trường giống nhau. Duy trường Thừa Thiên dựng thêm nhà của sĩ tử. Phàm thi Hương, mỗi gian ngăn làm 4, thi Hội thì liệu ngăn làm 2, 3.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), chuẩn y lời nghị: Lấy nguyên tả vi trường ấy đặt làm vi giáp, nguyên hữu vi đặt làm vi ất, mỗi vi ngăn cách ra lấy nhà ngói 5 nhà. Mặt trước mỗi nhà, chỉ cách 1 gian, làm 1 sở nhà ở. Mặt sau bỏ không. Mỗi nhà ấy có 9 sở, tính suốt 2 vi 10 nhà, thành 90 sở nhà ở. Mặt trước đều dùng cửa bằng tre ghép thưa, có cái tre chắn ngang để đóng cửa, không được đi lại, ngổi hỗn độn, cho nghiêm trường qui. Đến ngày vào trường, thì cửa tả làm cửa giáp, cửa hữu làm cửa ất. Quan trường chiếu vi, chia ra ngoài cửa xướng danh, phóng lệnh cho thí sĩ vào trường. Trước hết tư đi quan phủ Thừa Thiên chiếu trong vi trường, làm mỗi người 1 cái thẻ tre, dài 1 thước 2 tấc, rộng 1 tấc, đợi quan chủ khảo lên trường phái người nộp để viết họ, tên, địa chỉ người ứng thi rồi treo ở đầu cửa các nhà ở.

Năm Tự Đức thứ 1 (1848), chuẩn y lời nghị: Nay Thanh Hóa đặt riêng trường thi, thì nhà cửa đường, viện nội ngoại trường thi, và 4 vi giáp, ất, tả, hữu của trường, mỗi vi 1 cửa. Trù liệu các khoản, do quan tỉnh hạt ấy tuân theo quy thức trường nguyên đặt từ năm Minh Mệnh thứ 12 trở về trước mà dựng. Nay kỳ thi gần đến thì nhà cửa trường, vẫn cứ do tỉnh ấy chiếu theo lệ trước mà làm, mua gỗ tạp, cỏ tranh làm cho kịp kỳ thi, còn về mẫu mới, ứng dụng loại gỗ lợp ngói, xây tường gạch, sau sẽ do quan tỉnh lo liệu.

Các vua triều Nguyễn rất mong muốn sĩ tử ứng thi đều trong sạch để thừa hưởng ơn phúc tốt, chăm chỉ học hành, trông hoa hoè mà rảo đến trường thi, nhìn sóng đào mà tranh tiến lên trước, đáp lại cái ý muốn cất nhắc nhân tài của triều đình. Vì vậy, những quy định nghiêm ngặt về xây dựng phòng ốc trường thi được các vị vua rất lưu tâm nhằm tuyển chọn đúng nhân tài, mà tương lai sẽ là vị quan thanh liêm phục vụ đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H48/103 Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H22/11 Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.    Hồ sơ H23/35 Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004);

5.    Bản dịch sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2005).

Nhật Phương