Sau khi Triều Nguyễn trị vì đất nước ta, Huế trở thành trung tâm chính trị của cả nước. Để thiết lập hệ thống phòng thủ ở mặt Bắc, Quảng Trị với tư cách là dinh Hữu trực  đã trở thành phên dậu có ý nghĩa chiến lược bảo vệ kinh thành Huế.

Năm 1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cho lập Dinh Quảng Trị gồm đất đai của các huyện Minh Hải, Đăng Xương, Minh Linh, đạo Cam Lộ và sau đó cho xây thành Quảng Trị. Ban đầu, thành được xây dựng ở địa phận phường Tiền Kiên, huyện Thuận Xương. Đến năm 1809 thành được dời đắp về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, tức vị trí thành ngày nay. Đích thân vua Gia Long đã xa giá đến đây xem quân và dân xây đắp lỵ sở.

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 7, mặt khắc 13 ghi chép

về việc Vua Gia Long cho đắp thành Quảng Trị

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Và với vị trí chiến lược quan trọng, thành Quảng Trị tiếp tục được vua Minh Mạng sau này cho tu sửa và xây đắp chắc chắn hơn. Ban đầu vua cho đắp bằng đất, rồi sau đắp lại bằng gạch. Nói về vị trí và quy mô của thành Quảng Trị, mặc dù cho đến nay, có nhiều sự ghi chép khác nhau nhưng với cấu trúc này, có thể thấy, thành tỉnh Quảng Trị được xây theo lối kiến trúc thành trì của Việt Nam và được sử dụng làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ một số nguồn tư liệu để lại đã cho thấy sự kì công trong tòa thành này. Trong thành có hành cung, nơi vua nghỉ ngơi mỗi lần ngự giá. Có kỳ đài và một khu vực với tất cả những bộ phận phục vụ cho cơ quan đầu não của tỉnh. Những công trình này được bao quanh bởi hệ thống tường hào chắc chắn. Có một điều đặc biệt mà các nhà khoa học đã phát hiện ra đó là: Thành Quảng Trị cũng được xây theo kiến trúc vô băng của Pháp – một lối kiến trúc mang tính phòng thủ chặt chẽ nhưng lại có 4 cửa giữ vị trí quan trọng trong việc canh gác và bảo vệ nội thành gồm cổng tiền hay còn gọi là Nam môn, cổng hậu (Bắc môn), cổng hữu và cổng tả ở phía Đông và Tây thành.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 179, mặt khắc 6

ghi chép việc Vua Minh Mạng cho đắp thành Quảng Trị

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thành cao, hào sâu được xây dựng kiên cố chắc chắn là vậy nhưng cho đến nay, sau những trận chiến với “mưa bom bão đạn”, tòa thành chỉ còn lại cổng Hậu là khá nguyên vẹn, mang theo mình những vết sẹo thời gian.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ sơ H59/1, H60/3, H20/7, H60/21, H60/24, H22/77, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
  2. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1996.
  3. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1999.
  4.  Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 3, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Nxb Giáo dục, năm 2006.

Cao Quang