THÂM NHẬP VÀO KHO MỘC BẢN TRIỀU NGUYỀN:

Vụ án trung thần và nước mắt tiền nhân

 

Uông Thái Biểu – Lê  Khắc Niên

Tuổi trẻ số 176 – 7/2010

 

Nguyễn Văn Thành (1758 – 1817) là một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn và có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Ông là người đã bôn ba theo vua Gia Long từ lúc khó khăn nhất đến khi thống nhất giang sơn.

Nghi án “bài thơ phản”

Cùng với vua Gia Long, ông đã trải qua bao gian lao và hiểm nguy, nhưng trí thông minh và tài thao lược đã giúp Nguyễn Văn Thành vượt qua. Ông là một bậc đại thần văn võ song toàn.

Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc Thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên phái trọng thần về trấn thủ bèn phong cho Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân.

Vua ban cho Nguyễn Văn Thành sắc ấn, trong ngoài 11 trấn đều thuộc vào cả, các việc cất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tùy nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị. Là một võ tướng nhưng Nguyễn Văn Thành lại rất coi trọng việc học, cùng thời gian sửa sang lại Bắc thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các, công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa xuân và mùa thu chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lấy bốn tháng giữa xuân, hạ, thu, đông tổ chức khảo thí học trò. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong công trạng của Nguyễn Văn Thành với vương triều Nguyễn là việc ông đã soạn thảo được bộ Hoàng Việt luật lệ (*).

Bìa sách “Hoàng Việt luật lệ” hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Kỳ án Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ hàm tư tưởng “phản nghịch” và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Nguyễn Văn Thành có con trai trưởng là Nguyễn Văn Thuyên, đỗ hương cống năm Ất Hợi 1815, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh với kẻ sĩ đương thời. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng.

Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long) nhắc đến bài thơ có nội dung sau: Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt – Dành để chiếu bên ta muốn chờ – Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn – Tây sành mới biết ngựa Ký Bắc – Thơm nghìn dặm lan trong hang tối – Vang chín chằm phượng hót gò cao – Phen này nếu gặp tể (tướng) trong núi – Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.

Bài thơ đã đến tai triều đình, trong đó có cả vua Gia Long. Có lẽ do Nguyễn Văn Thành là một công thần nên có một số người ghen tị. Nhân cơ hội này, những người có hiềm khích với ông đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn truất ngôi vua của cha con ông.

Nỗi lòng tôi trung

Vụ án đã lan rộng ra khắp nơi và trở thành vụ án lớn nhất thời bấy giờ. Vì là người có công trạng lớn trong triều đình nên việc xử lý Nguyễn Văn Thành rất khó khăn. Ông bị tước hết ấn và tiếp tục chờ xử lý. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 53, năm Gia Long thứ 15 (1816) có chép: “Vua nói: “Văn Thành vốn là kẻ có tội nhưng thể thống đối với đại thần cũng nên có cách xử trí”. Bèn thu ấn và kiếm về ở nhà riêng, Văn Thành mất chức. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Có bầy tôi như thế xử trí thực khó! Nếu không bảo toàn được công thần thì cũng không phải là việc hay của trẫm, thế mới khó chứ”.

Vụ án ngày càng trở nên căng thẳng trong triều đình, cuối cùng Nguyễn Văn Thành đã phải chịu cái án nặng nhất – cái chết. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55 năm Gia Long thứ 16 (1817) có chép: “Vua nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được”. Bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp ở Võ công thị để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không?”. Thành nói: “Không”.

Văn Thành trả lời rồi đi qua, sắc mặt bừng bừng. Trở về nhà quan nói với Thống chế Thị trung Hoàng Công Lý rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Rồi thân đi nằm hồi lâu, uống thuốc độc chết. Việc tâu lên, vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”. Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Bỗng có quân lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Vụ án Nguyễn Văn Thành khép nhưng để lại những dấu hỏi lớn trong triều đình. Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị trảm quyết.

Chú thích: (*) Hoàng Việt luật lệ là bộ sách mà ván khắc có kích thước và khối lượng lớn nhất trong mộc bản triều Nguyễn. Mỗi tấm mộc bản có độ dày trung bình 5-10cm. Người được vua Gia Long giao đứng đầu công việc soạn thảo bộ luật này là Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm tổng tài.

Hoàng Việt luật lệ là bộ luật lớn, hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của thư tịch pháp luật VN thời phong kiến. Bộ luật được biên soạn trong một thời gian dài, đến năm 1811 thì hoàn tất, năm 1812 được khắc in lần đầu ở Trung Quốc. Nhà vua đã trực tiếp đọc duyệt, tu chỉnh sau cùng, sau đó mới cho phép khắc in và ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào năm 1813.

Theo mộc bản, trong bài tựa bộ Hoàng Việt luật lệ, Gia Long viết: “Trẫm nghĩ: Thánh nhân cai trị thiên hạ đều dùng luật pháp để xử tội, dùng đạo đức để giáo hóa mọi người. Hai điều ấy không thể bỏ được điều nào. Thật vậy, sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có luật pháp để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa mà biết được đạo đức. Cho nên người xưa có nói: “Pháp luật là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp”. Lời nói đó há chẳng phải là chuyện không thực đâu”.