Dưới chế độ phong kiến, khoa cử là con đường đi tới công danh của con người trong xã hội. Mỗi triều đại đều tổ chức thi với các chế độ và hình thức khác nhau, nhằm mục đích tìm kiếm nhân tài, phục vụ đất nước. Với 39 khoa thi được tổ chức, Triều Nguyễn đã tuyển chọn được rất nhiều tài năng làm rạng rỡ non sông đất nước. Hầu hết các khoa thi đều được tổ chức nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ về điều kiện dự thi, nội dung thi và việc chấm thi. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những sự cố đáng tiếc xảy ra ở một số trường thi Hương. Hãy cùng điểm qua ba sự cố đặc biệt nhất dưới triều Nguyễn qua ghi chép của khối Di sản Mộc bản.

Sĩ tử kiện cáo nhau vì kết quả thi

Sự việc xảy ra ở khoa thi Hương năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1906), tại trường thi Thừa Thiên. Khoa thi này, Thị lang bộ Hình là Tạ Tương được giao làm Chủ khảo, còn Án sát Quảng Nam Từ Thiệp làm Phó Chủ khảo. Sau khi yết bảng, danh sách dâng lên có 42 thí sinh thi đỗ. Tuy nhiên sau đó, một số sĩ tử vì không phục kết quả, đã mang đơn lên tòa Khâm sứ, Cơ Mật viện khiếu nại về 11 Cử nhân học dở mà lại thi đỗ. Vì vậy, Quý tòa bàn bạc thành lập một hội đồng, cử quan người Pháp và quan người Nam tiến hành xét duyệt lại. Sự việc này được Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 6, mặt khắc 1, 2 ghi rằng: “Trong đó người thứ 4 là Hồ Đắc Đệ, người thứ 17 là Trần Xuân Giản, người thứ 42 là Nguyễn Đức Thố xét thấy văn lý sắc sảo nên giữ nguyên giống như ở trường thi. Còn người thứ 11 là Trần Gia Hòe, người thứ 20 là Tôn Thất Lãm, người 21 là Lê Xán, người thứ 23 là Nguyễn Văn Uất, người thứ 27 là Lưu Đức Tuân, người thứ 33 là Thái Quy, người thứ 36 là Nguyễn Gia Khái, người thứ 37 là Vũ Khắc Triển, tổng cộng là có 8 người văn lý tầm thường nên giáng xuống hạng Tú tài. Sau đó xét duyệt đưa vào thi lại nhưng vẫn bị truất”.

Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 6, mặt khắc 1, 2 ghi về việc sĩ tử kiện cáo nhau vì không phục kết quả thi ở trường thi Thừa Thiên, năm 1906

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đánh rớt vì bài thi giống nhau

Kỳ thi Hương năm Kỷ Dậu, niện hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), tại Trường thi Bình Định. Ban đầu, khi yết bảng là có 18 người đỗ. Tuy nhiên, đến khi Ba Nha hội duyệt lại thì thấy người thứ 15 là Lê Toại và người thứ 17 là Đoàn Văn Mân, kỳ thứ nhất thi văn sách có 3 bài có nhiều chỗ giống nhau và trùng nhau, nên đánh rớt cả hai. Trường hợp này cũng từng xảy ra ở trường thi Nam Định vào năm Quý Mão (1843), niên hiệu vua Thiệu Trị thứ 3. Kỳ thi ấy, vốn có 21 người thi đỗ, nhưng xét thấy Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Đức Khuê ở kỳ thi thứ 2, văn lý của bài thi có chỗ giống nhau nên quan trường đã đánh rớt cả. Tuy nhiên, khi sự việc báo về, cho vào Kinh sát hạch lại, nhận thấy văn lý viết tốt nên chuẩn cho đỗ. Sự việc này được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 33 ghi rằng: “Khoa này, trường Nam Định có Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Đức Khuê là người tỉnh Hải Dương, đều đỗ vào hạng Cử nhân (Lâm đỗ thứ 7, Khuê đỗ thứ 13). Chủ khảo Trương Quốc Dụng thấy kỳ đệ nhị, hai người này có chỗ hơi xuất nhập (giống nhau), họ lại là anh em ruột, nên lấy làm ngờ, đều đánh hỏng. Việc ấy đến tai vua. Vua nói rằng: “Mở khoa thi, lấy nhân tài, cốt được thực tài, nếu vì hình tích mà ngờ thì những người tài cao học rộng làm thế nào mà tỏ ra được!”. Bèn sai phu trạm đi lấy quyển và truyền tư gọi hai người vào Kinh. Sai bộ Lễ và viện Đô sát ra bài đủ 3 kỳ, sát hạch rõ ràng, thì anh em Lâm quả có thực học… Vua nói rằng: “Hai anh em Lâm và Khuê, văn lý có một hai chỗ giống nhau, cũng là mẫu mực trong một nhà, vốn không phải theo vào bản chữ sẵn mà viết lại. Văn Nhuận, cái chỗ đó, chỉ là một vết nhỏ mà thôi, không nên câu nệ mà cân nhắc đắn đo quá. Vậy chuẩn cho họ đều được dự vào hàng Cử nhân, cấp cho mũ áo”.

Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 6, mặt khắc 22 ghi chép về trường hợp bài thi giống nhau bị đánh rớt ở trường thi Bình Định năm 1909

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sơ khảo sửa bài, sửa điểm cho học trò

Tại kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1834), tại Trường thi Nghệ An. Sau khi yết bảng, có tất cả 16 người đỗ, nhưng Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Đễ vì quan trường có sửa điểm trong quyển thi nên bị truất. Lúc này, Thự Tuần phủ Quảng Trị là Nguyễn Tú là Chủ, án sát Thanh Hoa là Lê Đức Ngạn làm Phó chủ khảo và các quan liên đới khác cũng đều bị phạt nặng.

Và sự việc chấn động hơn cả mà cho đến nay vẫn luôn được người đời nhắc đến đó viên sơ khảo sửa bài cho học trò để được thi đỗ. Đó là trong kỳ thi Hương năm Tân Sửu (1841), đã xảy ra một trường hợp đặc biệt, Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 11 ghi lại như sau: “Có hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 tên. Lại Trương Đăng Trinh là cháu gọi Trương Đăng Quế bằng chú, bác, quyển văn kỳ thứ hai bị Nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu cho là văn lý có thể lấy được, nói với quan Ngoại trường liệt vào hạng lấy đỗ. Chưa ra bảng, Chủ khảo Bùi Quỹ cho là chữ của Bá Quát viết tốt, gọi ra Ngoại trường viết bảng. Văn Siêu giữ Bá Quát ở lại ngủ đêm. Đến khi ra bảng, dư luận sĩ phu sôi nổi. Giám sát trường vụ, Hồ Trọng Tuấn, tham hặc là trường pháp không đúng. Việc này giao cho bộ Lễ và viện Đô sát tra xét nghị tội. Bọn Bá Quát thú nhận là sính bút làm càn, chứ không có ai dặn dò gửi gắm gì cả. Án xử Bá Quát, Phan Nhạ đều phải tội xử tử; Văn Siêu phải tội phạt trượng, đồ; Chủ khảo và Giám khảo thì hoặc phải cách, hoặc phải giáng chức có khác nhau”.

Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 11, mặt khắc 13, 14 ghi về sự việc viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi cho học trò

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sự việc ấy đã khiến cho Cao Bá Quát và Phan Nhạ bị xử vào tội chết. Tuy nhiên, sau khi nghĩ lại, vua Thiệu Trị đã gia ân cho tội giảo giam hậu: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ: bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có  chỗ  câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu…”.

Có thể nói, việc tổ chức các khoa thi dưới triều Nguyễn không ngoài mục đích kén chọn nhân tài, bổ sung quan chức cho chính quyền. Đây được coi là việc trọng đại, rất được triều đình quan tâm. Vì vậy, với bất kỳ sự cố lớn hay nhỏ, gây ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi thì những người liên quan đều bị răn đe, trừng trị./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H97/4, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H97/11, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H22/60, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Quang