NGHIÊM CẤM Ở BIÊN GIỚI DƯỚI THỜI VUA MINH MỆNH

 

Lãnh thổ mà cha ông để lại, “một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ”? Với ý thức bảo vệ bờ cõi, vua Minh Mệnh đã có nhiều chính sách trên đường bộ và đường biển rất nghiêm minh, để giữ vững lãnh thổ của nước nhà.

Những chính sách của vua Minh Mệnh được thể hiện trên đường biển và đường bộ. Năm 1827, vua chuẩn y lời tâu nghiêm cấm hộ đánh cá ven biển, phàm ra biển bắt cá, không được vượt quá giới hạn.

 


Bản dập Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 131, mặt khắc 1: nghiêm cấm hộ đánh cá ven biển, phàm ra biển bắt cá, không được vượt quá giới hạn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), thuyền đánh cá, thuyền dân buôn nước Thanh phần nhiều kéo đến phận biển tỉnh Hải Dương, vua nhiều lần sai phái viên tỉnh ấy hiểu dụ bọn ấy lần lượt trở về, thế mà nay còn có nhiều bọn thuyền đi lại dừng đậu. Vua sai Vũ Tuấn Lượng bắt biền binh thuộc tỉnh, rồi phái cán viên đem binh thuyền đến hội đồng với quan châu huyện Vân Đồn, Hoa Phong đến chỗ thuyền nước Thanh đậu đòi đầu mục bọn thuyền ấy, đem tư văn tổng đốc của họ đưa lại, sao ra, hiểu dụ ngay ở trước mặt, rồi bắt buộc hạn cho bọn ấy trong hạn 10 ngày trở về phận biển nước ấy. Nếu bọn ấy vẫn lần chần ở lâu thì liệu phái biền binh dõng tự lĩnh binh thuyền tới nơi ấy đòi đầu mục bọn ấy đến hiểu dụ, khiến cho tự về, nếu dám chống cự thì chuẩn cho người lập tức đánh đuổi toàn bộ thuyền nước Thanh quyết liệt. Đấy là nếu bất đắc dĩ.

Trên đường bộ, năm 1828, khi Tổng trấn nước Thanh, viên đô đốc phủ Khai Hóa, Quảng Tây, Quảng Nam và viên phủ Khai Hóa sai viên biền vượt qua biên giới bắt phạm nhân. Quan Bắc Thành dâng điệp lên, vua ban chỉ: Giới hạn bờ cõi, trong ngoài đã rõ hẳn, há nên vượt qua như thế; quan trấn phủ ấy tuy rằng cần kíp bắt tội phạm, tự tiện vượt qua bờ cõi, rất là không nên. Vậy bọn Trương Văn Minh ở Bắc Thành lập tức sức quở viên trấn Tuyên Quang, sau này phải tra xét nghiêm ngặt ở nơi biên giới, nếu có việc giống như thế, cho phép tư báo tra bắt, không được cho phép bọn ấy đi lại tự do. Rồi cho bộ đem việc ấy tư rõ cho Bắc Thành biết, để nghĩ soạn bẩm văn giao cho trấn viên ấy biết tình tệ đưa đệ nha môn trấn phủ Vân Nam biết để ngăn mối tệ mà nghiêm ngặt việc phòng thủ biên giới.

Vua cũng từng ban dụ rằng: Biên giới Nam, Bắc đã định rõ ràng, há nên tự tiện vượt qua. Thế mà người nước Thanh dám vượt qua cõi bắt người như thế, thì bởi trấn ấy không có phòng ngừa gì cả, đến nỗi người nước Thanh đi lại được tự do, thực là có lỗi. Vậy phải tra xét quan trấn lúc ấy chức vụ, họ tên là gì, đều phạt bổng 3 tháng.

Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), nước Thanh gửi công văn trình bày về việc giao thông mua bán, vua vẫn cho giữ phép cũ, nhưng đi lại mua bán đường bộ qua các cửa quan: Khâm Châu ở Quảng Đông, Thự Khâu ở Quảng Tây, không nên từ đường biển đến Quảng Đông.

Năm 1830, khi người nước Thanh tự tiện vượt qua lãnh thổ của ta, vua tức giận xuống chỉ: huyện Kiến Thủy nước Thanh đã nhiều lần sinh sự, lẽ không bỏ qua được. Vậy thành sở tại (từ Bắc Thành) phải thêm quân Thần sách 100 người đến coi giữ trấn sở ấy. Trấn sở tại phải thêm biền binh thuộc trấn 60, 70 người, mặc binh phục nghiêm chỉnh đi ngay đến châu Chiêu Tấn cùng với Thổ binh phái đến trước đây, chiếu theo địa hạt mà tuần tiễu; nếu người nước Thanh còn dám vượt qua cõi quấy nhiễu, chuẩn cho biền binh của thành đã phái đến, góp sức bắt, cốt bắt sống được tại chỗ 5, 3 tên người nước Thanh áp giải về thành, rồi tức thì tâu lên, đợi chỉ để giải giao cho tỉnh Vân Nam xét.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), quan Bắc Thành đệ điệp tâu về việc châu Chiêu Tấn chặn bắt được người nước Thanh. Vua sai quan Bắc Thành là Phan Văn Thúy, chuyển sức cho viên trấn Hưng Hóa tha ngay bọn ấy ra, rồi gọi lên công đường tuyên bảo. Lũ ấy tự vượt cõi mà đi, đáng lẽ phải trừng trị nghiêm ngặt, nhưng triều đình vốn lượng khoan hồng, không thèm hà khắc, cho nên gia ơn tha cho; lũ ấy sau này nên cảm phục sợ hãi, nếu còn xảy ra việc gì, tất nã bắt xét trị tội nặng không tha. Lại thông sức cho thổ mục các châu ở ven biên giới thuộc trấn hạt ấy, phải kính giữ giới hạn biên cương không được khinh suất vượt qua những chỗ đất tiếp giáp nhau như Kim Tử hà, Bắc Khuyên bản, thì tất phải trừng phạt nặng không tha. Nếu kẻ kia vượt cõi gây hấn, tức thì bắt giải lên trấn trừng trị nghiêm ngặt.

Vua lại xuống dụ: Cứ Bắc Thành tâu báo rằng phủ Lâm An, trấn Lâm Nguyên nước Thanh thiện tiện phái lính tráng lại đòi đồn Phong Thu thuộc trấn Hưng Hóa; quan thành ấy một mặt phái lính đến phòng ngự, một mặt tâu lên. Vả địa giới đồn ấy liền với nước Thanh mà bờ cõi đã định hẳn rồi. Nghĩ tới biên thân nước ấy, gây sự như thế, về phần ta phải xử trí được đúng đắn mới trọng quốc thể. Vậy quan Bắc Thành là Phan Văn Thúy phái viên hộ tào Đặng Văn Hòa, viên thống quản Kiên nhuệ thập cơ Nguyễn Đình Phổ đem biền binh ở thành hạt 1.000 người và 10 con voi, có đủ khí giới, đi ngay đến giữ trấn Hưng Hóa. Ngày đến trấn, trích ngay biền binh ấy ra 300 cùng với trấn binh, thổ binh 300 trước đã phái đi, trước sau cộng 600 lính, chi cấp tiền gạo lương và 5 con voi, đều đến châu Chiêu Tân liệu cách đồn Phong Thu nửa ngày đường, chọn chỗ đóng lại để phòng ngự.

Quan Bắc Thành tâu: Bọn Vũ Văn Tín ở Hưng Hóa báo rằng hiện nay quân nước Thanh hiện đóng giữ ở chỗ giáp giới 2 động Phong Thu, Binh Lư; bọn Vũ Văn Tín cũng đem quân án ngữ ở đấy và đợi mệnh lệnh, và đệ cả các công văn của người nước Thanh đưa cho đầu mục đồn Phong Thu. Vả trước đây người nước Thanh việc gì cũng muốn chiếm phần lợi hơn cho nên dương to thanh thế lên. Vua sai Phan Văn Thúy chuyển sức cho bọn Đặng Văn Hòa sức mau cho bọn Vũ Văn Tín hãy cứ đóng quân ở chỗ hiện đóng, cùng giữ với người nước Thanh; đợi người nước Thanh trả lời thế nào, ta lại tùy nghi xử trí, chớ nên khinh suất, để xảy ra rắc rối. Nếu người nước Thanh tự lui quân trước thì chuẩn cho bọn Vũ Văn Tín, một mặt do thành tâu lên, một mặt rút quân về trấn, bất tất để quân phòng giữ để khỏi cảm mạo lam chướng mãi, đợi sau này việc đã ổn định, lại xuống dụ thi hành, khỏi làm cho người nước Thanh sinh lòng ngờ vực.

Khi quan Bắc Thành bắt được tên Trương Thạch người nước Thanh trốn sang địa giới nước ta, vua lệnh phải đưa Trương Thạch đến chỗ vắng, không phải tra tấn, chỉ truy hỏi đến cùng và tra xét rõ, đáp thuyền của người nào, đi theo đường nào đến đây. Nhất nhất lấy khẩu cung cho rõ ràng, cốt trong một hai ngày hỏi xong, không được để chậm. Công văn nước Thanh phái đệ phải do bộ để vào hồ sơ. Nay cho Trương Thạch về nước phải nói với quan trưởng của y những đại ý về bờ cõi bên kia bên này, giới hạn phân minh.

Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), tỉnh Tuyên Quang đệ điệp tâu trình: bờ bên nam sông Đổ Trú thuộc địa phận xã Tụ Long, hạt ấy trước kia có bia đá làm giới hạn, nay đã đổ gãy. Vua sai phụng chỉ: cho tuần phủ tỉnh ấy giao cho các viên đến chỗ ấy sức bắt quân dân biện đủ gạch đá và vật liệu cần dùng lập tức đem bia ấy dựng lên, rồi bao 3 mặt bên tả, bên hữu và phía sau, cần được yên ổn bền vững và chuyển sức cho thổ ty ấy và dân xã sở tại, sau này nên để tâm coi giữ, chớ để người nước Thanh vượt qua, để rõ giới phận.

 


Bản dập Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 131, mặt khắc 6: dựng lại bia đá ở xã Tụ Long để rõ giới phận

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Vua Minh Mệnh ban các điều nghiêm cấm ở vùng biên như không được tự tiện đi lại, hay đánh bắt cá vượt phận biển cũng chỉ mong muốn giữ vững bờ cõi, giữ gìn từng thước đất mà ông cha để lại./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H48/131, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004);

3.    Bản dịch sách Minh Mệnh chính yếu, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa (2010).

4.    Bản dịch sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2005).

Nhật Phương