Đại lễ Vu lan là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới. Đây là lễ của nhà Phật được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, lễ Vu lan được tổ chức rất sớm và gắn liền với lễ cầu siêu. Qua ghi chép từ nguồn sử liệu, đặc biệt là khối Di sản Mộc bản triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV để hiểu hơn về đại lễ Vu lan được tổ chức như thế nào?

Về sự tích lễ Vu lan, theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 16 có ghi lại rằng: “Hội Vu lan: Kinh Phật chép rằng Mục Liên có mẹ phải sống trong ngục Ngạ Qủy. Phật bảo Mục Liên làm hội Vu lan bồn vào ngày rằm tháng 7, dùng bách vị ngũ quả đựng trong bồn để cúng dường chư Phật mười phương, rồi sau mẹ của Mục Liên mới ăn uống được. Thích thị yếu lãm chép rằng: “Vu lan, là tiếng Phạn, cũng như Hoa văn nói là cứu đảo huyền”.

Lễ Vu lan được du nhập vào Việt Nam từ khi nào, không thấy sử sách nói rõ. Chỉ biết rằng qua ghi chép của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì lễ Vu lan ở nước ta được tổ chức lần đầu tiên vào năm Mậu Tuất (1118), dưới triều vua Lý Nhân Tông. Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, năm đó, vua Lý Nhân Tông đã tổ chức lễ cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu. Dân chúng ở các nơi cũng về dự lễ rất đông. 10 năm sau, tức năm Mậu Thân (1128), vào ngày lễ Vu lan, vua Lý Thần Tông cũng đã cho thực hiện nghi lễ cầu siêu cho vua Lý Nhân Tông, sau đó, vua ban thưởng cho các sư tụng kinh 220 quan tiền. Và kể từ năm Mậu Thân (1128), cứ theo lệ, vào ngày rằm tháng 7, các triều đại đều tổ chức lễ Vu lan.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 13 ghi chép việc vua Lý Nhân Tông cho mở hội Vu lan năm Mậu Tuất (1118)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến triều Nguyễn, cùng với sự phát triển của Phật giáo, lễ Vu lan rất được các Vua coi trọng. Với quan điểm: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ở trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người bằng thuyết hoạ phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người làm việc thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống lại, cũng không thể đổi bỏ đi được”; năm Ất Mùi (1835), để chuẩn bị cho ngày lễ Vu lan, vua Minh Mạng đã sai bộ Lễ sắm vật liệu trước, đến ngày Trung nguyên (tức rằm tháng 7), truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước… Liền truyền sai triệu tập những nhà sư ở chùa các địa hạt, người nào tinh tiến giữ giới, đến Kinh, cấp cho giới đao độ điệp…”. Ngoài ra, vào các dịp lễ Vu lan khác, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn cho mời thầy sư đến các miếu và điện Phụng Tiên tụng kinh 7 ngày đêm để cầu âm phúc.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 176, mặt khắc 6 ghi chép về việc tổ chức lễ Vu Lan (tiết Trung Nguyên) dưới triều Nguyễn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Dưới triều vua Thiệu Trị, vào dịp lễ Vu lan, Vua cho đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế. Ngoài ra, vua còn đặt đàn phổ độ để “xá tội cho vong nhân”. Nối tiếp truyền thống của các đời vua trước, các triều vua sau như Tự Đức, Kiến Phúc, Thành Thái,… đều tổ chức lễ Vu lan báo hiếu.

Qua những ghi chép của nguồn sử liệu, chúng ta có thế thấy lễ Vu lan đã được các triều đại ở Việt Nam tổ chức với ý nghĩa đầy nhân văn. Để rồi từ đó lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của tín đồ Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân đất Việt. Và một mùa Vu lan nữa lại về, cầu cho Cha Mẹ một đời bình an!

Tài liệu tham khảo.

1. Hồ sơ H31, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H22, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H23, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

6. Hồ sơ H24, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

7. Hồ sơ H25, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Quang

Phòng PHGTTLLT