LỆ DÂNG CAM ĐƯỜNG TỈNH HẢI DƯƠNG

 

Cam đường là thổ sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương với hương vị ngon, ngọt, thơm. Cam đường được chọn dùng làm vật phẩm để tiến dâng vào triều đình nhà Nguyễn trong các dịp lễ tế hay khánh tiết. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ khắc: Hàng năm cung tiến vào lễ tế hưởng mùa xuân ở các miếu 400 quả cam đường. Ngày sinh nhật ở điện Phụng Tiên (27 tháng 11), ngày giỗ điện Hiếu tư (28 tháng 12), mỗi lễ đều 300 quả cam đường.

Năm Gia Long thứ 11 (1812), vua chuẩn lời tâu: phàm gặp lễ tế hưởng, Bắc Thành chi tiền kho ra tìm mua cam đường để cung tiến vào lễ tế hưởng mùa xuân, lễ tế hưởng mùa đông, mỗi lễ đều 1.500 quả, lễ tế hưởng mùa hạ 4.200 quả. Lại chuẩn lời nghị hạt Hải Dương thường năm cam đường chín, cứ 15 ngày một kỳ, chọn mua 300 quả tiến nộp.

Năm 1815, vua Gia Long lại xuống dụ: Lễ tế hưởng tháng 10, cam đường ở Bắc Thành chưa được chín, lệ tiến lễ tế hưởng định lại đợi đến kỳ sắp chín sẽ đem đến đủ số, chuẩn làm lễ tiến của mới.

Dưới thời vua Minh Mệnh, năm 1820, vua miễn lệ Bắc Thành dâng tiến cam đường, vua xuống dụ: Trước đã có lệ định, cam đường ở Bắc Thành đến kỳ chín, lệ phải kính dâng các ngày lễ tôn miếu và ngày 15 một kỳ đệ nộp. Nay chuẩn định: hễ gặp các lễ dâng cơm mới ở tôn miếu thì đúng kỳ chọn mua để kính dâng, còn 15 ngày thường nộp một kỳ, sau đây chước miễn cho, để bớt sức dân khuân vác.

Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), vua ban chỉ dụ định lệ dâng cam đường: Từ trước hàng năm gặp các lễ tế hưởng ở tôn miếu, Bắc Thành lệ phải đúng kỳ thì dâng lên các hạng quả phẩm, lệ trước hơi quá nhiều, nay chuẩn định hàng năm tháng 2 tháng 9 tháng 12, gặp ngày giỗ ở Hưng miếu và điện Phụng tiên gồm 4 lễ, như lễ nào gặp cam đường đến kỳ chín, chuẩn cho mỗi lễ đem 300, đệ lên dâng vào các lễ tiết, ghi làm lệ lâu dài.

 

 

 Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 120, mặt khắc 20 khắc về cam đường tỉnh Hải Dương

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Dâng sản vật địa phương cho triều đình là niềm vinh hạnh nhưng cũng tốn không ít sức dân. Vua Minh Mệnh nhiều lần giảm thổ sản và số lượng để bớt việc cho dân, cho những người liên quan. Năm 1833, vua Minh Mệnh xuống chỉ: Từ sau phàm tỉnh Hải Dương cho mua cam đường đệ nộp, đã dâng tiến vào lễ tế hưởng thì tết Nguyên đán không phải tiến lên nữa để bớt việc cho bưu trạm.

Năm Minh Mệnh thứ 15, vua giảm bớt cho các địa phương về việc dâng tiến các phẩm vật. Vua dụ bảo bộ Lễ rằng: Dâng tiến các thổ sản cũng là lễ kẻ dưới cung phụng người trên, nhưng đường sá xa xôi chẳng nỡ để dân phải nhọc nhằn về việc chạy trạm đem tiến. Vậy chuẩn định từ nay phàm gặp những ngày tế Xuân hưởng ở các miếu và ngày tiết Thánh thọ tháng 11, Hải Dương theo lệ dâng tiến cam đường; tháng 12 ngày kỵ ở điện Phụng Tiên, đều theo như lệ đã định: Hải Dương tiến cam đường, Nam Định tiến mắm rươi. Còn đều cho thôi hết.

Năm Bính Thân, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), vua quy định thể lệ trả giá cho các địa phương mua các phẩm vật để cung tiến trong đó cam đường 100 quả có giá 2 quan.

Dưới thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức đều có lệ định về việc dâng cam đường. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vua ban lệ định: Gặp ngày giỗ ở điện Hiếu tư, tỉnh Hải Dương phải tìm dâng 300 quả cam đường. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), vua định lệ: Gặp ngày sinh nhật Thuận Thiên Cao hoàng hậu, tỉnh Hải Dương tìm chọn mua tiến 300 quả cam đường.

Việc tiến dâng cam đường được các vua đã đặt lệ định, nhưng trong quá trình tiến dâng nếu xảy ra sơ suất thì đều bị nghiêm trị. Trong tiết Thánh thọ năm Mậu Tuất (1838), tỉnh Hải Dương tiến cam đường, trong sọt cam có con rắn cuộn khúc, bộ Lễ và khoa đạo cho là bất kính, cùng dâng sớ hặc tội, giao xuống bộ Hình nghị định, thuộc lại ở tỉnh phải tội chém, quan tỉnh phải tội đồ. Vua Minh Mệnh bảo rằng: “Phẩm vật đệ lên, việc liên quan đến cung quan trọng, tiến Từ cung thận trọng đến thế nào, lại có việc bất cẩn như thế, tội ấy không nhẹ, quan bộ Hình giữ phép nghĩ định, thực đã thoả đáng, duy việc ấy mới phát ra, trẫm kính vâng Từ dụ, pháp luật nên xử nặng, tình nên xử nhẹ, nên lượng cho giảm nhẹ, thuộc lại ở tỉnh cho đổi làm phát làm quân, Bố án Nguyễn Hữu Khuê, Hoàng Tế Mỹ đều đổi làm giáng 4 cấp”.

Cam đường ở Hải Dương được chọn lựa để tiến triều, được các vua đặt lệ dâng tiến cả về thời gian và số lượng qua các năm tức rất được các vua quan tâm. Đó thật là niềm vui, niềm vinh dự lớn cho địa phương có thổ sản như Hải Dương./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H48/120, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H22/120, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.    Hồ sơ H22/177, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004);

5.    Bản dịch sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2005).

Nhật Phương