Chiến tranh dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức oai hùng của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc trường chinh cứu nước vẫn còn nguyên vẹn trong trong những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đến nay, mỗi khi được tận mắt nhìn lại những hình ảnh, tài liệu về những người chiến sĩ đã tận hiến thân mình trong và sau cuộc chiến vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc lại làm cho chúng ta cảm thấy tràn đầy tự hào, xúc động. Để ghi lại được những hình ảnh, tài liệu quý giá đó, rất nhiều phóng viên – chiến sĩ đã hy sinh những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, những điều kiện vật chất, tinh thần trong cuộc sống riêng tư và cả mồ hôi, máu, nước mắt của họ và người thân trong những tháng năm gian khổ ấy. Sứ mệnh ấy được đặt lên vai họ và họ cũng vinh dự nhận lãnh để rồi hôm nay, những cuộn phim, những tấm ảnh dù đã lão hóa theo thời gian nhưng lại khắc họa và tấu lên khúc tráng ca của một thời thanh xuân và mãi mãi.

Gần 200 hình ảnh tư liệu được đưa ra trưng bày tại triển lãm “Tuổi trẻ Việt Nam – Một thời và mãi mãi” chính là những tác phẩm được lựa chọn trong kho tư liệu hàng nghìn tác phẩm ảnh được các tác giả Mầu Hoàng Thiết, Mai Nam, Đỗ Kết, Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành hiến tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian qua. “Gia tài đồ sộ” của họ là những cuộn phim, những tấm ảnh đã lão hóa theo thời gian nhưng lại khắc họa và tấu lên khúc tráng ca của một thời thanh xuân và mãi mãi. Mỗi tác phẩm ảnh là một góc nhìn của những người lính trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc. Có thể đó là những hình ảnh dữ dội, khốc liệt của cuộc chiến nhưng cũng có thể là những khuôn hình về cuộc sống bình dị, lạc quan, rất vững tin trong cuộc chiến đấu thầm lặng ở hậu phương của những con người biết làm chủ vận mệnh mình, làm chủ đất nước. Để rồi hôm nay, “những tấm ảnh được ghi lại trong nháy mắt đang cùng với tác giả tiếp tục làm việc, tiếp tục xông lên giành những thắng lợi mới” đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói.

Để giúp khán giả quan tâm, theo dõi Triển lãm có thêm thông tin bổ ích, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của những nghệ sĩ tài hoa này.

Phần 1: Mầu Hoàng Thiết và những hình ảnh sâu lắng về hậu phương thời chiến

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà báo Mầu Hoàng Thiết sinh năm 1930, quê gốc ở Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông vốn là một thanh niên Việt kiều cư trú ở Thái Lan. Năm 1950, khi vừa tròn 20 tuổi, ông đã tham gia Quân tình nguyện Việt Nam ở Thái Lan, rồi sang Lào chiến đấu. Sau khi hòa bình lập lại ở Đông Dương, đội quân ấy về nước, Mầu Hoàng Thiết được điều làm cán bộ tuyên huấn của sư đoàn 335 với nghiệp vụ nhiếp ảnh. Từ năm 1962, ông về làm cho báo Tiền Phong và có nhiều đóng góp cho báo chí cũng như nền nhiếp ảnh nước nhà.

Gái làng Phú Xá tiễn trai làng ra tiền tuyến Tết Tân Hợi, năm 1971

Tác giả: Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước gặp chiến tranh nên đây cũng là đề tài mà nhiều phóng viên lựa chọn nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết lại chọn cho mình một góc nhìn rất khác đó là về hậu phương thời chiến. Những hình ảnh không dữ dội quyết liệt, mà bình dị lạc quan, vững tin trong cuộc chiến đấu thầm lặng ở hậu phương của những người con biết làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước. Khi xem những tác phẩm ảnh chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam có những người phụ nữ đảm đang trung hậu. Dù ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình hay Thanh Hóa, Quảng Bình; dù là cô giáo làng hay nữ công nhân dệt, là sinh viên hay các chiến sĩ dân quân đều mang trong mình hình ảnh cao đẹp, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Qua từng bức ảnh, chúng ta không chỉ thấy một Hoàng Thiết dũng cảm xông xáo, đầy nhiệt huyết, có mặt ở khắp mọi nơi trên miền Bắc – Xã hội Chủ nghĩa, hậu phương bao la của tiền tuyến lớn anh hùng, mà còn thấy được cả không khí của quân và dân ta trong những năm mưa bom đạn lửa.

Đón con sau giờ trực chiến ở Hải Dương, năm 1967

Tác giả: Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm 2017, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật với cụm tác phẩm gồm 5 ảnh, đó là “Gái làng tiễn trai làng Phú Xá tòng quân”, “Em đến lớp nơi sơ tán”, “Đón con sau giờ trực chiến”, “Học sinh Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Tây học và hành nơi sơ tán”, “Vựa ngô chống Mỹ huyện Khoái Châu, Hưng Yên”. Với 5 tấm ảnh giản dị, người xem nhận ra nét đặc biệt trong cuộc sống bận rộn của nông thôn miền Bắc thời chiến mà nữ giới trở thành chủ gia đình, trụ cột của địa phương. Cụm ảnh chính là lời giải đáp thế nào là hậu phương vững chắc, thế nào là chiến tranh nhân dân ở Việt Nam.

“Bé đến lớp nơi sơ tán” – Con em công nhân nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội sơ tán về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, năm 1967

Tác giả: Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Nghệ sĩ Mầu Hoàng Thiết thực sự đã làm nên bản trường ca bằng hình ảnh với những khoảnh khắc đan xen nhau thật kỳ diệu. Với đôi mắt tinh đời và tấm lòng trìu mến của người nghệ sĩ, Mầu Hoàng Thiết đã dâng hiến cho đời những hình ảnh đầy xúc động về một thời oanh liệt của nhân dân ta. Và năm 2019, tác giả đã tin tưởng và quyết định trao tặng 2.592 phim âm bản, là toàn bộ những tác phẩm để đời mà Nghê sĩ đã gìn giữ trong hơn 50 năm qua cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước với mong muốn Trung tâm sẽ tiếp tục bảo quản và phát huy có hiệu quả những thành quả tâm huyết mà ông đã gìn giữ như báu vật để các thế hệ sau này hiểu được những gian khó mà nhân dân Việt Nam anh hùng đã trải qua trong chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước ở giữa thế kỷ XX.