Phần 3: Đoàn Công Tính – Người chiến sĩ chụp ảnh giữa 81 ngày đêm đỏ lửa

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, sinh năm 1943 tại Nam Định. Năm 19 tuổi, ông rời quê hương vào quân ngũ. Buổi đầu, Đoàn Công Tính tập làm nghề báo bằng cách viết tin nêu gương “Người tốt việc tốt” và gửi Báo Quân đội Nhân dân. Sau đó, với niềm đam mê với nhiếp ảnh, Ông đã tự mày mò chụp, in tráng gửi tòa soạn nhưng những bức ảnh của ông vẫn bị “chê” là chưa đạt. Không nản lòng, Đoàn Công Tính lại tiếp tục trau dồi kỹ thuật và học tập kinh nghiệm. Và rồi thành công đã đến, bức ảnh chụp Tiểu đội nữ súng máy phòng không 12 ly 7 bắn cháy máy bay Mỹ đánh phá quê hương được Báo Tiền Phong đăng đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời cầm máy của Ông.

Phóng viên Đoàn Công Tính chụp hình cùng đồng đội dưới chân Thành cổ Quảng Trị

Tác giả: Đoàn Công Tính

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Năm 1969, Đoàn Công Tính được điều về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân và trở thành một trong những phóng viên chủ chốt.  Để rồi, cùng với quá trình lăn lộn trải nghiệm thực tế ở các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tay máy của Đoàn Công Tính từng bước được khẳng định. Năm 1970, Đoàn Công Tính được cử vào vùng đất lửa Vĩnh Linh bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Tại đây, những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống chiến đấu của những người lính giữ Thành cổ đã ra đời. Tác phẩm ảnh “Trên đồi không tên” được các báo đưa tin làm người xem nức lòng. Và có lẽ, một trong những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời cầm máy của Đoàn Công Tính, đó là 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị. Ban đầu, đề xuất táo bạo của Đoàn Công Tính xin vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành cổ không được chấp thuận vì quá nguy hiểm. Nhưng “máu” vào thành cổ trong ông cứ ngùn ngụt, cầm máy ảnh như cầm súng nên ông đã thuyết phục được cấp trên. Với sự dũng cảm, gan dạ của người phóng viên chiến trường, Đoàn Công Tính trở thành nhà báo duy nhất lọt vào Thành cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm.

Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị (Chiến sỹ Lê Xuân Chinh, người có nhiều thành tích trong chiến đấu)

Tác giả: Đoàn Công Tính

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ống kính dũng cảm và tài hoa của Đoàn Công Tính đã làm tròn trách nhiệm nhân chứng lịch sử, ghi lại cho hậu thế hiện thực sống động của một thời khó quên. Mỗi bức ảnh tâm huyết ra đời trong bối cảnh ấy đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật được dư luận trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Người xem cũng cảm nhận một cách sâu sắc: để có những tác phẩm ấy và nhất là để đưa được chúng kịp thời lên mặt báo ở những thời điểm nóng bỏng, nhiều khi người chụp phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

“Qua vùng thiếu nước”

Tác giả: Đoàn Công Tính

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV