CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGUỒN SỬ LIỆU

 

Châu bản là khối tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945, gồm các chiếu, chỉ, dụ của nhà vua, các tấu sớ,… của các bộ như bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ, bộ Lại, bộ Công, Viện Đô Sát, Cơ Mật Viện, Phủ Phụ chính, Nội các, Nha Thương bạc, Phủ Thừa (Thừa Thiên),… Châu bản triều Nguyễn phản ánh các mặt hoạt động của Nhà nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… đây chính là nguồn sử liệu quý được các sử gia nghiên cứu, bổ túc thông tin phục vụ việc biên soạn các bộ quốc sử dưới triều Nguyễn.

Việc biên soạn chính sử dưới triều Nguyễn được giao cho Quốc Sử quán là cơ quan của triều đình phụ trách việc biên soạn, ấn loát để ban cấp cho các nơi. Đứng đầu là vị Tổng tài, giúp việc có các phó Tổng tài, Toản tu, Biên tu, Khảo hiệu, Đằng lục và Thu chưởng. Căn cứ vào nội dung biên soạn của mỗi bộ sử, Quốc sử quán sẽ sử dụng việc kê cứu thông tin từ các nguồn khác nhau như: các bộ sử đã được biên soạn từ đời trước, các văn bản lưu trữ tại Nội các (bao gồm các kim sách, chế, cáo, sắc, dụ ban ra cho các cơ quan, cho các đương sự thi hành, các văn bản do các cơ quan đệ trình).

Nội các có trách nhiệm duyệt các bản tấu và phiếu nghĩ của các Bộ, Viện, Ty, các tỉnh gửi về sau đó mới trình lên vua ngự lãm, sau khi vua xem và phê duyệt lên bản chính, nhà vua sẽ sai Thị vệ hoặc Thái giám chuyển giao cho Nội các (bản chính của các văn bản gọi là Châu bản). Theo lệ định, Nội các sẽ sao chép những lời Ngự phê vào 2 phó bản, sau đó gửi một phó bản cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn các sách. Nhưng trên thực tế thì ngay từ triều Minh Mạng và các triều tiếp theo, Châu bản đã được đưa về Quốc Sử quán để làm căn cứ biên soạn và trước thuật các sách. Trong quyển đầu sách Minh Mệnh chính yếu có ghi “xin phái những những bậc thông hiểu văn học, đem các châu bản, cùng những ghi chép của Khởi cư trú, phân loại, biên tập thành bộ Minh Mệnh chính yếu”[1].

Ngoài ra Nội các còn có các viên quan thực hiện nhiệm vụ “khởi cư chú” ghi chép việc làm của vua và các bộ, viện, ty,… điển chế của nước nhà. Về công việc của Khởi cư trú, năm Minh Mệnh năm thứ 18 (1837), khi biên soạn sách Minh Mệnh chính yếu, Cơ mật viện đại thần Hà Quyền tâu nói “ từ năm Minh Mệnh thứ nhất đến nay 18 năm, thể thống trị nước rực rỡ hơn xưa, xin phái Lang trung đến Tư vụ 6 bộ thuộc viện Đô sát viện và Nội các, người thông hiểu có văn học, mỗi sở một người, đem các bản chữ son, cùng bản biên của viên Khởi cư trú, chia ra môn loại, chép lại làm một sách Minh Mệnh chính yếu. Lũ thần đi cắt lượt nhau đi xem xét làm việc, phàm các việc cứ thực viết thẳng, để tỏ là sách chép sự thực, sách làm xong, xin cho in ra, để cho cả nước cùng xem, truyền về đời sau cho biết việc cốt yếu trị nước bình thiên hạ gốc ở đấy cả” [2]. Như vậy, có thể nhận thấy công việc của những viên quan Khởi cư trú đóng vai trò như “viên thư ký” có trọng trách ghi chép đầy đủ, sự thực các việc xảy ra. Do vậy văn bản do Khởi cư trú biên chép được xem như là biên bản làm việc và là một nguồn sử liệu sống động và chân xác, quan trọng nhất để các sử quan nhà Nguyễn tham cứu trong việc biên soạn chính sử.

Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) đại thần viện Cơ mật Trương Đăng Quế tâu nói:“Đặt ra chức Khởi cư chú để ghi lời nói và việc làm [của vua],… xin từ nay, phàm ngày vua ngự điện nghe việc chính, các quan chầu hầu, có lời vua răn bảo, cho đến cử động, cùng là việc các nha tâu lên, có huấn thị tuân hành, thì các khoa đạo đứng hầu đều ghi chép rõ ràng, như khi vua ngự điện và ngự giá đi chơi, cũng theo như thế, cốt phải 10 phần rõ đủ, không sót, không lầm, vận dụng bút, sử dụng chữ mọi hết thảy tinh tường xứng đáng, theo từng tháng, đem bản biên chép do viện thần nhuận sắc trước lại trình đương trực thần xét xem, đều tự tay ghi tênở cuối giấy. Trong bản ghi chép gặp có viết thêm hay thay đổi, và chỗ đóng, đương trực thần phải đóng ấn quan phòng, cho khỏi thiếu sót. Phàm đương trực thần xét xem, nếu trong bản ấy chữ nghĩa có chưa nhã, sự lý có chưa chu đáo thì cho được sửa chữa. Nếu ghi sai lầm, theo sự thực sửa lại. Duy bất kỳ triệu đình thần vào hầu, viên Khoa đạo theo lệ không được theo ban, thì do Các thần (Nội các) ghi chép, ký, giao cho Khoa đạo đương ban, viết thành bản chép, vẫn do viện thần (quan ở viện) và đương trực thần theo lệ duyệt chữa, như thế, thì biên chép không việc gì không rõ, đủ, mà việc khảo xét có chuẩn đích[3].

Bên cạnh nguồn tư liệu tại Nội các, Quốc Sử quán còn sử dụng các nguồn tài liệu như Ngọc điệp, Tôn phả và những tài liệu sưu tầm khác.

Đã có nhiều bài nghiên cứu cho rằng Châu bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu để các sử gia nhà Nguyễn làm căn cứ biên soạn các bộ chính sử, tuy nhiên mức độ khảo cứu như thế nào (giữa nội dung ghi trong Châu bản và nội dung ghi trong các bộ chính sử thì có ít công trình nghiên cứu đề cập đến). Do vậy, trong nội hàm của bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát các thông tin trong Châu bản (chiếu, thượng dụ, sắc chỉ, tấu, khải, bẩm, tư trình, phúc trình, phiếu nghĩ,… thông qua Mục lục Châu bản triều Nguyễn) đối chiếu với nội dung ghi trong bộ chính sử Đại Nam thực lục để kiểm chứng tính xác thực của nguồn sử liệu Châu bản – trong mối tương quan là phần dữ liệu bổ trợ cho các sử gia biên soạn chính sử.

Bảng kê cứu một số thông tin ghi trong Châu bản triều Nguyễn[4]

đối chiếu với nội dung ghi trong bộ chính sử Đại Nam thực lục

 

Nội dung từ Châu bản Triều Nguyễn
Nội dung từ Mộc bản Triều Nguyễn
1) Phụng dụ chuẩn định: Hoàng Thái tử, Hoàng thân, Công chúa, Công phi khi vào chầu, võng, lọng và các người tùy tùng phải dừng tại cửa Hưng Khánh

Ngày 4 tháng 6 năm Gia Long thứ 15 (1816)

Tập 43-3

Loại: Dụ

Xuất xứ: Đại Nội
1) Sắc từ nay, hoàng thái tử và các hoàng tử hoàng tôn tước công vào hầu, từ các cửa hoàng thành trở vào trong: hành nghi của hoàng thái tử thì cáng một cái, lọng hai cái, gươm ba cái, hành nghi các tước công thì cáng, lọng, gươm, mỗi thứ một cái, đều đến ngoài cửa Hưng Khánh thì dừng; hoàng nữ và vợ thiếp các tước công chỉ được đi các cửa Hiển Nhân, Chương Đức, Củng Thần,hành nghi thì dùng kiệu, lọng đều một cái, đến ngoài cửa Lý Thuận thì dừng.

Bính Tý (1816), Gia Long năm thứ 15

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 53, mặt khắc 7,8
2) Chiếu: Thực Dụng bá Lê Quang Thực Hàn lâm viện chuẩn thăng làm Thiêm sự bộ Hộ Thực Dụng hầu.

Ngày 18 tháng 1 năm Gia Long thứ 16 (1817)

Tập 67a-3

Loại: Chiếu

Xuất xứ: Đại Nội
2) Lấy Câu kê Ngô Văn Duyệt làm Thiêm sự Lễ bộ, Hàn lâm viện Ngô Bá Nhân và Lê Quang Thực làm Thiêm sự Hộ bộ, Cai án Trần Văn Thông và Tri bạ Trần Bá Giáo làm Thiêm sự Công bộ.

Đinh Sửu, Gia Long năm thứ 16 (1817)

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55, mặt khắc 2
3) Chiếu: Ngô Đình Giới, cựu ký lục, trước bị cách chức, đặc chuẩn phụng làm ký lục Giới Tiếc hầu, lấy chức ấy giáo đạo Hoàng tử.

Ngày 25 tháng 1 năm Gia Long thứ 16 (1817)

Tập 71-3

Loại: Chiếu

Xuất xứ: Đại Nội

3) Khởi phục cho Ngô Đình Giới làm Ký lục sung chức Ty giảng cho hoàng tử. Trước vua cùng Trịnh Hoài Đức cùng bàn chọn nho thần. Hoài Đức tâu nói: “Đình Giới học hành thuần chính, có thể tuyển vào đấy được. Nhưng trước làm Ký lục Bình Định đã bị cách chức”.

Đinh Sửu (1817), Gia Long năm thứ 16

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55, mặt khắc 2
4) Công đồng truyền: ông đường quan dinh Quảng Đức đặng rõ.

1. Chữ húy của Hoàng Thái tử.

2. Tự nay nội ngoại thần thứ có dâng tiên khải đều phải xưng thần.

3. Ngày trước và ngày chính lễ Thiên Xuân, cộng 2 ngày cấm xử án và ở chợ cấm bán thịt.

Ngày 9 tháng 3 năm Gia Long thứ 16 (1817)

Tập 97-3

Loại: Truyền

Xuất xứ: Công đồng

4) Bộ Lễ tâu nói: “Từ xưa các đế vương đời nào cũng có quốc húy để dạy bảo cho thiên hạ, như thế là nêu rõ nghĩa tôn người đáng tôn, xem trọng thể thống triều đình, bảo cho dân biết kính. Nay lập ngôi thái tử danh phận đã định, nghĩa lớn ở đấy xin kính đưa tôn tự để thần dân biết mà kính tránh. Lại kính xét sử nhà Minh ở tờ khải mà thần dân trong ngoài dâng lên Hoàng thái tử đều phải xưng thần, thế là để tỏ danh phận chính đáng. Xin từ nay tờ khải của thần dân đều theo như điển nhà Minh. Còn sinh nhật Hoàng thái tử gọi là tiết Thiên Xuân, xin cứ trước một ngày và chính ngày hôm ấy thì nêu rõ điều răn cấm cho trọng điển lễ”. Vua y lời tâu.

Đinh Sửu (1817), Gia Long năm thứ 16

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55, mặt khắc 3,4
5) Chiếu: Sơn Nam thượng trấn đặng rõ: về tô túc hạ vụ năm nay các công tư điền chuẩn giảm 2/10. Sau khi giảm rồi, lúa hạ vụ còn bao nhiêu, chia làm 10 phần, 4 phần cho phép nạp bằng tiền, còn 6 phần đợi lúa mùa đông, đều phải thâu hết đủ số. Chiếu Sơn Nam hạ trấn như trên.

Ngày 29 tháng 4 năm Gia Long thứ 16 (1817)

Tập 119-3

Loại: Chiếu

Xuất xứ: Đại nội
5) Cho các trấn ở Bắc Thành nộp tô ruộng thiếu năm trước bằng tiền; tô vụ chiêm năm nay phải nộp cũng cho nộp thay bằng tiền, Sơn Tây, Kinh Bắc thì 6 phần 10, Sơn Nam thượng, hạ, Hải Dương, Yên Quảng thì 4 phần 10.

Đinh Sửu(1817), Gia Long năm thứ 16

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55, mặt khắc 14

6) Chiếu: Nội ngoài chư quân dinh, chư thành dinh trấn chưởng lãnh quan đặng rõ: Nay nên kê khai con cháu đích trưởng tử và lý lịch của các văn võ Vọng Các Công thần từ cửu phẩm trở lên, để cho hưởng phẩm cập tập ấm.

Ngày 16 tháng 5 năm Gia Long thứ 16 (1817)

Tập 141/142-3

Loại: Chiếu

Xuất xứ: Đại nội

6) Vua bảo Phạm Đăng Hưng rằng: “Trẫm nhớ công thần Vọng Các, muốn tập ấm cho con cháu họ, để cùng nước cùng vui. Người có tài thì sẽ dùng, người không có tài thì cũng cho đời đời được giữ ấm tước, để giữ đạo trung hậu”. Lại nói rằng: “Nguyễn Văn Trương và Hà Hỷ Văn đều có công to với nước. Tuy không có công cầm cương ngựa đi theo, cũng cho liệt vào sổ công thần Vọng Các để cho vẻ vang”. Bèn sai xét dùng con cháu công thần Vọng Các. Chiếu rằng: “Trẫm nhớ bề tôi ứng nghĩa từ trung hưng đến nay, đã nhiều lần gia ân huệ, người sống có danh sang trọng, người chết có hiệu vẻ vang. Nhưng đương lúc mới định, chỉ nghĩ chính sự mà chưa kịp làm việc khác. Nay kỷ cương tạm định, càng nghĩ đến người công lao cố cựu để mong cùng vui. Vậy hạ lệnh cho quân dinh trong ngoài và các thành dinh trấn, phàm ai có công Vọng Các thì khai rõ lý lịch người ấy và con cháu trưởng, làm thành danh sách tâu lên, trẫm thân quyết định, lượng xét cho tập ấm để rõ ân điển”.

Đinh Sửu (1817), Gia Long năm thứ 16

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55, mặt khắc 13
7) Chiếu: trấn Gia Định và bộ Lại đặng rõ:

a. Các thứ tiền ngụy hết hạn lưu thông 5 năm, đều tiêu hủy.

b. Từ tháng giêng năm Mậu Dần, các trấn sẽ ban hành thông dụng tiền bạch duyên mới đúc.

c. Nghiêm cấm các ghe thuyền chở tiền và chì về Hạ Châu buôn bán.

Ngày 2 tháng 12 năm Gia Long thứ 16.

Tập 198-3

Loại: Chiếu

Xuất xứ: Đại nội

 

7) Hủy tiền ngụy hiệu của Tây Sơn, chiếu rằng: “Quy chế đúc tiền, từ xưa ghi niên hiệu cốt để phân biệt. Từ thuở Tây Sơn lấn cướp, đúc ra các thứ tiền Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng, dân gian nối nhau thông dụng, lẫn lộn rất nhiều. Nhưng noi theo đã lâu, chợt nghiêm cấm thì người tích trữ phải đọng lại mà không thông, người dùng quen thì ngại tiền mới, thực ra không tiện cho dân. Vậy chuẩn định những tiền ngụy từ năm Đinh sửu đến năm Tân tỵ là năm năm thì hãy cho thông dụng, từ năm Nhâm ngọ về sau thì đều cấm. ở trong hạn ấy thì kho tàng trưng thu và nhân dân mua bán không được kén loại, làm trái thì có tội”.

Ban tiền “Gia Long thông bảo” mới đúc. Hạ lệnh cho các dinh trấn từ Quảng Bình vào Nam, phàm lương bổng và chi tiêu đều dùng tiền cả. Duy dân gian nộp thuế vẫn phải dùng nửa tiền nửa bạc.

Bính Tý (1816), Gia Long năm thứ 15.

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 54, mặt khắc 10,11
8) Lê Bá Phẩm, Hữu Tham tri bộ Hình tâu: mong cho thăng chức Chánh Khanh, nhưng tự xét già yếu bất lực, kính xin Thánh Thượng cho được nhưng cựu chức Tham tri, phụng hành công vụ.

Châu phê: “Vì khanh là người thành thật, công lao đã lâu, nên thăng thọ chức này cũng là xứng đáng, khanh chớ từ chối. Khâm thử”.

Ngày 11 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 1 (1820)

Loại: Tâu

Xuất xứ: Bộ Hình

Tờ 18/ tập 1
8) Lấy Lê Bá Phẩm làm Thượng thư Hình bộ. Phẩm vì già ốm xin từ. Vua dụ rằng: “Trẫm trẻ tuổi nối ngôi, nghĩ nhờ năm ba người bề tôi cũ giúp đỡ, nay có mệnh mà khanh từ, vậy thì khanh không nghĩ yêu vua à? Vả lại, trẫm lấy khanh quản lãnh việc bộ là để nắm đại cương thôi, đến như án kiện giấy tờ thì có Tham tri Thiêm sự chia giữ, chứ có phiền khanh đến việc nhỏ đâu”. Phẩm nhỏ nước mắt khóc cố từ, vua vẫn không nghe.

Canh Thìn (1820), Minh Mệnh năm thứ 1

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 2, mặt khắc 3
Qua những thông tin đối chiếu trên, chúng ta thấy rằng Châu bản triều Nguyễn và các nguồn tư liệu khác đã góp phần trở thành nguồn tư liệu quan trọng trong việc khảo cứu, biên soạn chính sử của triều Nguyễn. Trong hơn 100 năm tồn tại, Quốc sử quán và Nội các triều Nguyễn đã biên soạn được nhiều bộ chính sử, chính văn rất có giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếu…và rất nhiều tác phẩm sử học khác. Để biên soạn hoàn thành một bộ chính sử thường kéo dài hàng thập kỷ, trải qua nhiều đời, tốn nhiều công sức khảo cứu và trí tuệ của các sử thần, ví như phần Tiền biên của bộ Đại Nam Thực lục thời gian biên soạn kéo dài 25 năm (từ Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) mới hoàn thành. Riêng phần Chính biên bắt đầu khởi sự từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) kéo dài đến đời vua Khải Định (1916 – 1925) mới xong phần thất kỷ. Như vậy, việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục đã phải kéo dài gần 100 năm mới hoàn thành bản thảo.

Ngày nay, khi tìm hiểu về lịch sử văn hóa, xã hội Việt Nam thời cận đại, các nhà nghiên cứu không thể không khảo cứu hai nguồn tư liệu quan trọng được đánh giá là bộ nhớ ký ức của nhân loại đó là Châu bản triều Nguyễn – Mộc bản triều Nguyễn.

Xuân Hùng – Phạm Yến

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/182, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

2. Hồ sơ H22/201, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

3. Hồ sơ H71/1, Minh Mệnh chính yếu, quyển thủ, TTLTQGIV.

4. Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802-1945), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2016;

5. Đại Nam thực lục tập 1-10, bản dịch Viện sử học, Nxb Giáo dục, 2004.

 

[1] Hồ sơ H71/1, Minh Mệnh chính yếu, quyển thủ, TTLTQGIV.
[2] Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 181, mặt khắc 18, 19.
[3] Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 200, mặt khắc 21.
[4] Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập I triều Gia Long, tập II triều Minh Mạng, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1962; Mục lục Châu bản triều nguyễn, tập 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010.