Phạm Thị Huệ – Nguyễn Huy Khuyến

Tạp chí VTLT tháng 6 năm 2007

Tài liệu Mộc bản hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là khối tài liệu đặc biệt quý, hiếm của Việt Nam. Hiện nay, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được phân loại theo nhiều chủ đề khác nhau như: lịch sử, địa lý, quân sự, chính trị, văn hóa – giáo dục, tư tưởng, triết học, văn thơ… Trong bài viết, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả một tài liệu Mộc bản quý nằm trong chủ đề địa lý mang tên Hoàng Thành nội.

Hoàng Thành nội là một tấm Mộc bản khắc vị trí của các công trình kiến trúc nằm trong Hoàng Thành nội mang ký hiệu 04781 với tiêu đề khắc bằng chữ Hán “Hoàng Thành nội”. Hiện nay, tấm Mộc bản này đã được in dập ra giấy dó. Bản dập mang ký hiệu H42. Cả bản gốc và bản dập đều được bảo quản trong kho chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Tấm Mộc bản này không những là một tư liệu quý để khảo cứu các công trình kiến trúc trong Hoàng Thành, mà nó còn mang một giá trị nghệ thuật độc đáo. Trước khi đi vào các công trình kiến trúc trong Hoàng Thành, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về quá trình xây dựng Kinh Thành và Hoàng Thành Huế.

I. VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KINH ĐÔ PHÚ XUÂN

Cho đến nay, có rất nhiều bài nghiên cứu về vùng đất Phú Xuân, nơi mà triều đình phong kiến nhà Nguyễn chọn để xây dựng kinh đô. Đã có những đầu sách nghiên cứu về Huế, về các công trình kiến trúc đặc sắc của Huế được xuất bản như Phòng thành Huế của Phan Thuận An. Và trong khối Mộc bản đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cũng có một số bộ sách viết về việc xây dựng Kinh thành như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…

Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, cho đến khi Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy khỏi Phú Xuân, thì đã có 8 lần các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ. Bắt đầu là Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626), Phước Yên (1626-1636), Kim Long (1636-1687), Phú Xuân (1687-1712), Bác Vọng (1712-1738)1, rồi cuối cùng lại trở về Phú Xuân mà ngày nay gọi là Kinh Thành Huế. Trong những lần thiên di đó, có hai lần Phú Xuân được chọn làm thủ phủ, và lần thiên di cuối cùng tồn tại được hơn 100 năm, trải qua 13 đời vua từ Gia Long cho đến Bảo Đại.

Nơi định đô của một vương triều gắn liền với sự thịnh, suy, nên khi mới đăng quang, các vị vua thường cho xây dựng thêm các công trình kiến trúc riêng, mang một dấu ấn cá nhân.

Về lịch sử xây dựng Kinh thành Phú Xuân, sách Đại Nam nhất thống chí, phần Kinh sư có chép rằng: “Thế Tổ Cao hoàng đế2 định đô ở Phú Xuân, gọi là Kinh sư, dựng đô ở giữa nước để cho con đường trở về triều cống cho cân nhau, như nóc nhà ở trên cao mà bốn phía hướng vào, như sao Bắc thần một chỗ mà sao khác chầu về, quốc gia chúng ta an ổn như Thái Sơn bàn thạch ức muôn năm là gây cơ sở tại đây tốt đẹp lắm thay”3. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Kinh sư quyển 1 mang ký hiệu H20/1 đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV gồm có 37 tờ nói về Kinh thành và Hoàng thành Huế.

Ví dụ:

Tờ số 5, quyển 1, ký hiệu 25079 nói về Hoàng thành.

Tờ số 14, quyển 1, ký hiệu 08973 nói về Đàn xã.

Tờ số 17, quyển 1, ký hiệu 30910 nói về Môn thành.

Tờ số 18, 19, 20, quyển 1, ký hiệu 01691, 25117, 26118 nói về hệ thống Quần miếu.

Tờ số 21, quyển 1, ký hiệu 01595, nói về hệ thống Từ đường.

Việc xây dựng kinh thành Phú Xuân trở thành thủ phủ chính thức của triều Nguyễn bắt đầu từ thời vua Gia Long. Sách Đại Nam thực lục có ghi: Vua Gia Long sau khi nghe lời tâu của Nguyễn Văn Nhân, vua nói: “Phải, Phú Xuân là khoảng giữa trong nước, đế vương đóng đô không đâu hơn đây”4.

Năm Gia Long thứ 3 (1804), ngày Kỷ Mùi, tháng 4, xây cung thành và Hoàng thành. Hoàng thành 4 mặt dài suốt 614 trượng, xây gạch, cao 1 trượng, 5 thước, dày 2 thước 6 tấc. Hồ bọc 3 phía, tả, hữu, hậu, dài suốt 464 trượng 1 thước. Phía trước có cửa Tả Đoan và Hữu Đoan, bên tả là cửa Hiển Nhơn, bên hữu là cửa Chương Đức, phía sau có cửa Cung Thần5.

Việc chọn Phú Xuân để xây dựng Kinh đô là một quyết định có tính chiến lược và thể hiện tài bao quát của vua Gia Long. Sách Phủ biên tạp lục chép: “Kinh thành Phú Xuân ở huyện Hương Trà vốn là địa phận xã Thủy Lôi ngày xưa. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Trăn, tự xưng là Hoằng Quốc Công mới thiết lập dinh ở đấy. Đất Phú Xuân là đại địa bằng phẳng, đẹp đẽ như lòng bàn tay, chu vi có thể rộng hơn 10 dặm đất. Đất này nói theo thuật phong thủy Đông phương ngày xưa tọa càn (phương Nam), hướng về mặt tốn (phương Đông Nam), nương tựa ngang vào long tích. Ở phía trước có nhiều núi bảo vệ, trấn dinh được sắp bày la liệt, và đều thu nhận những dòng nước hổ thủy. Ấy là mạch đất đại phát tài, phát quyền lực giàu sang thịnh vượng.

Việc lựa chọn vị trí để xây dựng Kinh thành, ở đây không nói tới, mà qua bài viết này, mục đích của chúng tôi là giới thiệu đến độc giả bản khắc gỗ về Hoàng Thành nội và các công trình kiến trúc được bố trí trong lòng nó.

II. CÁCH BỐ TRÍ CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC BÊN TRONG HOÀNG THÀNH

1. Sơ lược về bản khắc:

Bản khắc về Hoàng Thành nội, gỗ còn rất tốt, khắc 1 mặt, chiều rộng của tấm Mộc bản là 24cm, chiều dài 39cm, bề dày 3.5cm. Tấm Mộc bản này khắc rất chi tiết các công trình từ cổng thành vào đến các công trình kiến trúc bên trong và cả những mô đất tự nhiên. Trong bản khắc này, các công trình được khắc kèm chữ Hán để chú giải, tự loại là chữ chân, với nét khắc rất rõ để dễ dàng nhận ra tên của các công trình này. Ngoài ra, còn có mô hình ký hiệu chú thích như nhà cửa, cầu cống, núi đất tự nhiên, cổng thành, dịch môn thành.

2. Các công trình kiến trúc trong Hoàng Thành

a. Các cửa ra vào Hoàng Thành:

Trong bản khắc cho thấy rất rõ hình dạng cửa Ngọ Môn. Đây là cổng chính để ra vào Tử Cấm Thành. Bản khắc nổi hình dạng 3 cửa. Đứng ở bên trong điện Thái Hòa nhìn ra có 5 lối đi, nhưng thực ra chỉ có 3 cửa. Ngọ Môn vừa là cổng chính, vừa là bộ mặt của Đại Nội. Mặc dù đã trải qua hơn hai thế kỷ, với biết bao trận bão táp của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, nhưng nhờ có nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng khéo và chắc, cho nên Ngọ Môn vẫn còn đứng vững với thời gian để trở thành một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của miền núi Ngự – sông Hương.

Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1833). Sách Đại Nam thực lục7 chép rằng: Ngày Canh Dần, xây dựng điện Thái Hòa, cửa Đại cung và cửa Ngọ Môn, điều 10.000 kinh binh làm việc… Khi mới trung hưng, xây đắp cung thành, Hoàng Thành, dựng làm cung điện. Mặt trước cung thành, chính giữa là điện Thái Hòa, hai cửa tả hữu là Tả Túc và Hữu Túc. Mặt trước Hoàng Thành, chính giữa là điện Càn Nguyên, hai cửa tả hữu là Tả Đoan và Hữu Đoan. Đến bây giờ dời điện Thái Hòa, hơi lùi về phía nam, đồ sộ và rộng lớn. Dưới thêm điện ấy là bệ đỏ, dưới bệ đỏ là long trì, dưới long trì là hồ Thái Dịch có xây cái cầu ở giữa. Hai đầu cầu đều có cửa ngăn. Còn ở mặt trước cung thành, chỗ chính giữa xây cửa Đại Cung (1 cửa giữa, 1 cửa tả và 1 cửa hữu). Hai bên phía Bắc cửa Đại Cung làm tả hữu hành lang, thông đến tả hữu vũ giải điện Cần Chánh. Thềm đằng trước cửa Đại Cung cách hơn 2 trượng thì đến thềm phía Bắc điện Thái Hòa… Mặt trước Hoàng Thành, chỗ chính giữa dựng cửa Ngọ Môn…”8

 Với hơn 100 công trình kiến trúc đẹp, gồm cung điện, lầu gác, nhà cửa, cầu cống, hồ ao… mặt bằng Đại Nội được chia ra thành nhiều khu vực khắc nhau, giữ các chức năng riêng biệt: khu vực cử hành đại lễ của triều đình, khu vực thờ phụng các vua chúa nhà Nguyễn, khu vực ăn ở của mẹ vua, khu vực nhà kho, khu vực học tập, vui chơi của các hoàng tử. Quanh mỗi khu vực đều có xây tường cao để ngăn cách nhau. Các khu vực quan trọng rộng lớn nhất nằm ở trung tâm Đại Nội là Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành có hình dạng gần vuông, mỗi cạnh trên, dưới 300m. vòng tường chung quanh cao 3.50m, ngăn cách nơi sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia với bên ngoài. Trong khu này có gần 50 công trình kiến trúc các loại, bao gồm nhiều cung điện lộng lẫy.

Khu vực vòng tường ngoài còn có 3 đài canh gác, đó là: Bắc đài, Đông đài, Tây đài. Mỗi đài được bố trí ở 3 khoảng chính của tường thành. Ngoài ra, bên cạnh Đông đài và Tây đài còn có cửa Tam quan.

b. Tử Cấm Thành:

Nằm ở phía trong của Hoàng Thành, cung điện đặt tại đây, rộng 362 trượng, cao 9 thước 3 tấc, dày 1 thước 8 tấc, hai mặt trước sau dài 81 trượng, hai bên tả hữu dài 72 trượng 6 thước. Hệ thống các cửa gồm: phía Nam là Đại Cung môn (ở khu vực điện Càn Thành), phía Đông có Hưng Khánh môn, Đông An môn, phía Tây có Gia Tường môn, Tây An môn, phía Bắc có Tường Loan môn, Nga Phụng môn, trước cung điện Càn Thành là điện Cần Chánh9.

Bản khắc tấm Mộc bản Hoàng Thành nội

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

c. Các điện chính trong Hoàng Thành:

Điện Thái Hòa: Ngày Đinh Mùi, ngày 21 tháng 2 năm 1805, dựng điện Thái Hòa. Ngôi điện được hoàn thành vào tháng 8 âm lịch năm ấy, tức là tháng 10 năm 1805. Như vậy, việc thi công chỉ kéo dài trong 9 tháng. Sau đó, vào ngày 12 tháng 5 năm Bính Dần, tức là ngày 28 tháng 6 năm 1806, vua Gia Long mới cho “Đặt nghi vệ đại triều ở điện Thái Hòa” và cử hành lễ Đăng quang chính thức tại đây.

Gia Long đã “định triều nghi mỗi tháng lấy ngày mồng 1 và ngày rằm đặt tại điện Thái Hòa, quan từ lục phẩm trở lên mặc áo mũ đại triều cho vào lạy chầu”. Vào đời vua cuối nhà Nguyễn, trong những buổi lễ đại triều được tổ chức ở ngôi điện này và sân chầu trước mặt nó, người ta thấy có đủ các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm tham dự. Đây cũng là nơi triều đình nhà Nguyễn cử hành các cuộc đại lễ thường kỳ và bất thường khác, như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, lễ Tứ, Ngũ Tuần Đại Khánh tiết, lễ Hưng quốc khánh niệm… Trong tất cả những buổi lễ ấy, vua ngự trên ngai vàng, chỉ có các hoàng thân mới được lên điện để đứng chầu hai bên ngự tọa, còn tất cả các quan thuộc bách tính đều sắp hàng ngoài sân Đại triều theo thứ tự phẩm trật và theo nguyên tắc tả văn, hữu võ, ở đấy gọi là sân chầu (bái đình).

Điện Cần Chánh: Năm Gia Long thứ 3 (1805) xây dựng và đến năm thứ 11 niên hiệu Thành Thái thì cho trùng tu lại. Nơi đây là điện chính, là nơi thỉnh thoảng tổ chức lễ thường triều vào mỗi tháng 4 lần vào các ngày 5, 10, 20, 25 âm lịch. Thỉnh thoảng, vua tiếp các sứ bộ ngoại quốc, hoặc các quan trung ương và địa phương đến chiêm bái, bái mạng, bệ kiến, bệ từ. Đây cũng là nơi diễn ra các buổi tiệc, ca múa trong những dịp khánh hỷ của quốc gia và của hoàng gia…10

Điện Phụng Tiên: Trước có tên là điện Hoàng Nhân. Điện xây dựng năm 1814 và có thiên di một lần vào năm 1838. “Đổi tên điện Hoàng Nhân thành điện Phụng Tiên. Bộ lễ tâu rằng: Khoảng năm Gia Long dựng điện Hoàng Nhân để đặt thần chủ Thừa Thiên Cao hoàng hậu, năm tháng phụng thờ. Đến đầu năm Minh Mệnh, lễ ninh lăng Thể tổ Cao hoàng đế lại đặt thần chủ vào điện ấy để hợp tự… Điện thì tế vào ngày sinh, ngày kị, lễ thời tiết, lễ cơm mới, sớm tối thắp hương, ngày rằm mồng một chiêm bái là để sự lên xuống được nghiêm trang mà tỏ lòng tưởng mến… Vậy xin đổi tên điện thành Phụng Tiên điện để được xứng đáng với anh linh của các vua và các hậu ở trời và tỏ rõ lòng hiếu đến ức muôn năm về sau11…”.

Ngoài ra, còn một số các điện khác, thực hiện các chức năng khác nhau, nhưng cùng góp phần làm nên một quần thể kiến trúc nằm trong lòng Hoàng Thành có một vẻ đẹp lộng lẫy của gác tía lầu son, khoác trên mình một cốt cách vương giả của chốn cung đình và tô điểm cho Huế một vẻ đẹp cổ kính.

Bản dập tấm Mộc bản Hoàng Thành nội

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

d. Các miếu trong Hoàng Thành:

Trong các công trình kiến trúc tiêu biểu nằm trong Hoàng Thành không thể không nhắc đến Thái Miếu và Thế Miếu.

Thế Miếu: Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo (ở vị trí của Thế Miếu ngày nay) để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên nối ngôi, năm 1821 ông cho dời miếu Hoàng Khảo lui về phía sau vài chục mét và đổi thành Hưng Miếu. Thế Miếu được xây vào vị trí ấy (năm 1821-1822) để thờ vua Gia Long và các vua kế vị. “Thế miếu nằm bên phải điện Thái Hòa, phía Nam của Hưng Miếu. Xây dựng năm Minh Mạng thứ 2. Miếu thờ Thế tổ Cao Hoàng đế, Thánh tổ Nhân Hoàng đế, Hiến tổ Chương Hoàng đế, Dực tông Anh hoàng đế…”12.

Với chức năng là nơi phụng thờ các vị tiền nhân để tỏ lòng tôn kính, biết ơn, nên Thế miếu được xây dựng hoành tráng và nghiêm trang.

Thái miếu: “Nằm ở bên trái điện Thái Hòa, phía trước Triệu miếu, phía trước Triệu miếu, xây dựng năm Gia Long thứ 3, đến đời vua Thành Thái cho trùng tu lại. Trong miếu thờ Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế, Hiếu Văn hoàng đế, Hiếu Chiêu Vương…”13.

 e. Các hồ trong Hoàng Thành:

Nằm trong lòng Hoàng Thành, các hồ ở đây vừa là hệ thồng thoát nước, vừa là nơi trang điểm cho Hoàng Thành một vẻ tự nhiên và tạo ra một sự cân bằng về sinh thái.

Hồ Thái Dịch: nằm sau Ngọ Môn, trước sân chầu, ngay ở hai bên lối đi vào điện Thái Hòa. Trong bằn khắc của Mộc bản ghi chú chữ Hán là Tả Dịch trì, Hữu Dịch trì.

Hồ Kim Thủy (bên trong)14: Được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1804), cùng thời gian kiến thiết Hoàng Thành.

g. Duyệt Thị đường: Nhà được xây dựng năm 1826, nằm ở phía Đông điện Văn Minh, gồm một tòa 4 gian 2 chái. Đây là nơi diễn các vở kịch, tuồng… để phục vụ cho Hoàng thân và các quan thưởng thức khi có dịp khánh hạ, lễ tiết. Hiện nay, Duyệt Thị đường được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dùng làm nơi diễn Nhã nhạc và ca Huế, phục vụ nhu cầu của khách tham quan trong và ngoài nước.

Tóm lại, với một quần thể các hạng mục kiến trúc nằm trong lòng Hoàng Thành được thiết kế xây dựng trải qua các triều vua, đã tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo, uy nghi chốn cung đình.

Cùng với thời gian, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, các cơ quan hữu quan và các nhà nghiên cứu đang phục chế, trùng tu lại các hạng mục quan trọng của Kinh Thành, để đưa Huế trở về với những nét đẹp cổ kính của lâu đài, cung thất của các bậc đế vương một thời. Bản khắc Mộc bản về Hoàng thành nội là một tài liệu gốc đặc biệt quý, vừa có giá trị về mặt nghệ thuật, vừa có giá trị sưu khảo, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu lịch sử Hoàng Thành Huế. Đặc biệt, bản khắc Mộc bản về Hoàng Thành nội rất có giá trị đối với việc phục chế, trùng tu các di tích đã bị hư hỏng trong Hoàng Thành.

Chú thích:

1 Ái Tử: là một trong những dinh cũ của chúa Nguyễn. Nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. “Mậu Ngọ, năm thứ 1 (1558), mùa đông tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa, những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người dũng nghĩa ở xứ Thanh Hoa đều vui lòng đi theo. Dựng dinh ở xã Ái Tử”.

Trà Bát: cách dinh cũ Ái Tử khoảng 2 km, nay thuộc Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị.

Dinh Cát: trước kia Đoan Quận công (Nguyễn Hoàng) đóng ở Dinh Cát tại địa phận xã Ái Tử thuộc huyện Võ Xương.

Kim Long: tọa lạc ở xã Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong bấy giờ.

Bác Vọng: thời kỳ Nguyễn Phúc Chu trị vì nên chúa đã muốn chuyển sang Bác Vọng. “Tháng 12, chua muốn dời phủ sang bãi phù sa, Bác Vọng. Sai ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để tiến. Tháng giêng, mùa xuân chúa dựng phú mới ở Bác Vọng”, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, tr 127.

Phước Yên: hay còn gọi là Phúc An nằm ở bờ Bắc sông Bồ. Sách Ô châu cận lục có ghi rằng: thành ở địa phận huyện Đan Điền, sông cái chảy qua phía tây, còn một nhánh sông con chảy vào trong thành. Bên hữu sông này.

2 Thế tổ Cao Hoàng đế tức vua Gia Long.

3 Dẫn theo Trần Đức Anh Sơn trong Tư tưởng quy hoạch kinh thành Huế thời Gia Long, Cố Đô Huế xưa và nay, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr 159.

4 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, tập 2, Hà Nội, 2004, tr 113.

5 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, tập 1, Hà Nội, 2004, tr 593.

6 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, quyển 2, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách xuất bản, 1972, tr 189-190.

7 Đại Nam thực lục – Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV , ký hiệu H21-H27.

8 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, tập 3, Hà Nội, tr 460-461.

9 Đại Nam nhất thống chí, bản chữ Hán quyển 1, tờ số 6 phần Kinh sư, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

10 Dẫn theo Phan Thuận An – Điện Cần Chánh bao giờ mới được phục hồi, Những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 4, tr 22, 1998.

11 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, tập 2, Hà Nội, 2004, tr 921.

12 Đại Nam nhất thống chí, bản chữ Hán quyển 1, tờ số 9 phần Kinh sư, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

13 Đại Nam nhất thống chí, bản chữ Hán quyển 1, tờ số 8 phần Kinh sư, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

14 Hồ Kim Thủy (bên trong), được xây dựng sau hồ Kim Thủy bên ngoài Hoàng Thành và hai hồ này được nối thông nhau.