CHÍNH SÁCH THÂN DÂN , GIỮ GÌN CỐT CÁCH DÂN TỘC CỦA CÁC VUA LÝ – TRẦN QUA MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

PHẠM THỊ HUỆ

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam số 9/2010

Trong những năm trị vì, các vua nhà Lý – Trần không những thường xuyên chăm lo ổn định tình hình chính trị, củng cố phát triển nền kinh tế, cải cách chế độ thuế khóa mà còn rất thương dân, khuyến khích dùng hàng nội hóa, giữ gìn cốt cách dân tộc.

1.  Chính sách thân dân, thương cảm với dân nghèo

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư về vua Lý Thánh Tông như sau: “… Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân trong việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa…”. Điều này được minh chứng trong Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 26 (ký hiệu H97/2) như sau: Một hôm, nhân gặp ngày đại hạn, vua (Lý Thánh Tông (1054 – 1072 -TG) bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong thâm cung, sưởi than lồng ấp, mặc áo hồ cừu mà còn rét như thế này. Trẫm nghĩ tới những kẻ tù tội trong ngục thất bị giam cầm trói buộc rất khổ sở, phải trái chưa được phân biệt, áo mặc cơm ăn không được đầy đủ, lại còn gió đông dồn dập, có kẻ vô tội phải chết oan trong lao, trẫm rất thương xót”. Rồi vua sai các quan Hữu ty cấp phát chăn chiếu cho các phạm nhân và cấp cho phạm nhân ăn cơm mỗi ngày 2 bữa.

Đối với nông dân, nhà vua cũng biểu lộ tình thương bằng cách ban Chiếu khuyến nông. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 1 (H31/9) có ghi: Vào năm Bính Thân, Long Thụy Thái Bình năm thứ 3 (1056), “mùa hạ tháng 4, xuống chiếu khuyến nông”. Với những kẻ bị hình, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 3 (H31/9) có khắc: “Mùa hạ, tháng 4 (Giáp Thìn, Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 6 (1064) – Tống Anh Tông Thự, Trị Bình năm thứ nhất), vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Thuận Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo cai ngục rằng “ta yêu con ta, như lòng ta yêu dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm”.

Thông cảm nỗi khổ của dân nghèo nên: “Mùa xuân, Thái hậu lấy tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở, đem gả cho những người góa vợ”. Năm Qúy Mùi, Phù Long năm thứ 3 (1103), xung quanh sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: con gái nghèo đến phải cầm thân làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ, đúng là việc làm nhân nghĩa vậy(1). Còn vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), (Mậu Tuất, Đại Trị năm thứ nhất – 1358), có việc làm đầy nhân nghĩa được ghi nhận tại Mộc bản có ký hiệu H31/13, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 7, mặt khắc 2: “Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu khuyến khích nhà giàu ở các lộ, bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo”.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 26 ghi chép về vua Lý Thánh Tông – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến đời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128), nhà vua lên ngôi đã cùng Hoàng thái hậu Ỷ Lan tiếp tục quan tâm đến những người dân nghèo và có những chính sách phát triển nông nghiệp. Cụ thể, trước tình hình nông dân bị bắt trộm trâu để xẻ thịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cày cấy, nhà vua đưa ra biện pháp mạnh. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, ký hiệu H31/9, quyển 3, mặt khắc 17 ghi: Tháng 2, định rõ lệnh cấm giết trộm trâu. Hoàng thái hậu nói: gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người lẻn lút, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ăn trộm trâu, nhà nước đã có lệnh cấm. Nay hiện tượng giết trâu lại càng nhiều hơn trước”. Bấy giờ vua xuống chiếu, kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đày làm kẻ phục dịch trong quân; vợ cũng bị xử 80 trượng, đày làm việc chăn tằm ở nhà và phải bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng (Đinh Dậu, Hồi Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117), Tống Chính Hòa năm thứ 7).

Sang đời vua Trần Thái Tông (1225 – 1258), nhà vua tiếp tục quan tâm đến đời sống người nông dân, khi biết dân mùa màng thất bát, nhà vua có chính sách nâng đỡ. Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, ký hiệu H31/11, quyển 5, mặt khắc 13 ghi: “Mùa thu, tháng 7, mưa, miễn một nửa tô ruộng”. (Nhâm Dần, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11 (1242). Chưa hết, nhà vua còn: “Xuống chiếu lấy thóc công, chẩn cấp cho dân nghèo và… miễn thuế nhân đinh”(2). (Canh Dần, Trùng Hưng năm thứ 6 (1290), Nguyên Chí Nguyên năm thứ 27). Có thể thấy rằng, các vua triều đại Lý – Trần đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, vì đây là hoạt động kinh tế quan trọng nhất của nước Đại Việt lúc bấy giờ. Công tác thủy lợi được chú trọng bằng việc cho nạo vét sông ngòi dẫn nước về đồng, cũng như việc đắp đê ngăn nước lụt dọc sông Hồng, sông Như Nguyệt…

2. Giữ gìn cốt cách dân tộc

Tại bản khắc sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 28 thì, vào đời vua Lý Thái Tông, Canh Thìn, Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 2 (1040), vua đã có ý thức khuyến khích nông dân dùng hàng nội hóa: “Tháng 2, vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan; từ Ngũ phẩm trở lên thì mặc áo bào bằng gấm; từ Cửu phẩm thì mặc áo bào bằng vóc, để thấy rõ vua không dùng gấm vóc của người Tống nữa”.

Đến đời vua Trần Duệ Tông (1373 – 1377), đã nêu cao việc giữ gìn cốt cách của dân tộc. Mộc bản triều Nguyễn đã khắc: “Xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và không bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào” (3) (Giáp Dần, Long Khánh năm thứ 2 (1374).

Qua đó cho thấy, bên cạnh việc quan tâm đến dân nghèo, gần ngàn năm trước, ông cha ta đã có lòng tự trọng và tự tôn dân tộc, giữ gìn cốt cách dân tộc Đại Việt./.

………………..

(1): Hồ sơ số H31/9, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 14 – Mộc bản triều Nguyễn – TTLTQGIV;

(2): Hồ sơ số H31/11, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 60 – Mộc bản triều Nguyễn – TTLTQGIV

(3): Hồ sơ số H31/12, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 41 – Mộc bản triều Nguyễn – TTLTQGIV.